Với tiềm năng tăng trưởng cao và dư địa phát triển lớn, ngành Chăm sóc sức khoẻ và đặc biệt là ngành Dược tại Việt Nam đang khẳng định vị thế là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TẠI VIỆT NAM
Những năm gần đây, ngành Chăm sóc sức khoẻ và đặc biệt là ngành Dược tại Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ với nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển. Theo thống kê của Cục quản lý Dược Việt Nam (DAV), quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2015 mới đạt 3,3 tỷ USD, đến năm 2021 đạt 6,9 tỷ USD, năm 2022 đạt 7,3 tỷ USD và vượt 7,7 tỷ USD vào cuối năm 2023, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới.
Quy mô thị trường dự báo sẽ ngày càng đạt giá trị lớn với tốc độ tăng trưởng hàng năm cao, nhờ vào sự gia tăng dân số, thu nhập của người dân được cải thiện và sự quan tâm tới sức khỏe ngày càng cao, dẫn đến chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc gia tăng. Nghiên cứu của Fitch Solutions dự báo chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm sẽ tăng đáng kể từ 1,46 triệu đồng năm 2021 lên 2,12 triệu đồng vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,8%.
Theo dự báo của Statista, doanh thu thị trường thiết bị y tế Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định qua các năm, từ mức 922 triệu USD năm 2016 lên 1,6 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2029.
Doanh thu thị trường thiết bị y tế Việt Nam qua các năm
Nguồn: Statista, tháng 8/2024
Sự lạc quan được duy trì trong góc nhìn của doanh nghiệp trong ngành về triển vọng năm 2025. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 66,6% số doanh nghiệp đặt niềm tin vào sự phát triển của thị trường, chỉ 13,4% dự đoán sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn, trong khi 20,0% giữ quan điểm rằng thị trường sẽ duy trì trạng thái ổn định, không có nhiều biến động so với năm trước.
Kênh phân phối thuốc ở các bệnh viện (ETC) vốn chiếm ưu thế trong doanh thu của ngành, được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì và chứng kiến sự tăng trưởng nhờ chính sách bảo hiểm y tế toàn dân và các quy chế đấu thầu thuốc trong bệnh viện được nới lỏng và thông thoáng hơn, cùng với đó là sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm dược phẩm chuyên biệt, đặc biệt là những loại thuốc hiếm, thuốc sinh học và thuốc điều trị các bệnh hiểm nghèo. Trong khi đó, kênh phân phối qua nhà thuốc (OTC) dù tăng trưởng doanh thu không quá ấn tượng trong năm 2024 cũng được đa số doanh nghiệp kỳ vọng có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong năm 2025.
Triển vọng năm 2025 từ góc nhìn doanh nghiệp
Nguồn: Vietnam Report - Khảo sát doanh nghiệp Dược & Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khỏe, tháng 10/2024
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường mới nổi với tỷ lệ thâm nhập dược phẩm còn thấp, cho thấy tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai. Các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tham gia vào thị trường dược phẩm và chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam thông qua các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A). Nhiều công ty dược phẩm lớn từ Hàn Quốc, Singapore… đã đầu tư vào Việt Nam, tạo ra áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước.
Tuy có nhiều tiềm năng phát triển nhưng ngành dược phẩm Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức về chất lượng sản phẩm và công nghệ sản xuất. Hiện tại, chỉ có một số ít nhà máy đạt tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (Good Manufacturing Practice - GMP) tiên tiến, trong khi nhiều nước trong khu vực đã có hệ thống sản xuất hiện đại hơn.
Để vươn tầm trong thời kì hội nhập, ngoài những chiến lược như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu mạnh…, các doanh nghiệp trong ngành cũng cần chú trọng vào một trong những điểm cơ bản nhất trong hoạt động của một doanh nghiệp: Đó là tập trung phát triển, cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ kết hợp với ứng dụng công nghệ, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là xu hướng hiện nay.
TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE
Trong kỉ nguyên công nghệ mà AI đang được quan tâm đặc biệt, việc áp dụng AI không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và hội nhập của ngành y tế Việt Nam vào xu hướng toàn cầu.
Thứ nhất, AI giúp cải thiện vượt bậc chất lượng chẩn đoán nhờ khả năng phân tích dữ liệu y tế và hình ảnh y khoa, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán nhanh chóng và chính xác hơn, từ đó giảm thiểu lỗi trong quyết định điều trị. Hệ thống AI còn có thể phát hiện các dấu hiệu bệnh lí từ sớm, nâng cao khả năng điều trị.
Thứ hai, AI hỗ trợ phát triển thuốc mới khi có thể phân tích hàng triệu dữ liệu về hợp chất và tác dụng, từ đó rút ngắn thời gian và chi phí phát triển sản phẩm mới. Bên cạnh đó, AI còn giúp mô phỏng các phản ứng sinh học, dự đoán hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng.
Thứ ba, AI hỗ trợ cá nhân hóa điều trị thông qua việc phân tích dữ liệu bệnh nhân để tạo ra những phác đồ điều trị tối ưu, phù hợp với từng cá nhân, giúp nâng cao hiệu quả điều trị. Một số ứng dụng AI cũng cho phép bệnh nhân được theo dõi tình trạng sức khỏe từ xa, giảm thiểu số lần phải đến bệnh viện và các chi phí phát sinh khác.
Thứ tư, AI giúp tối ưu hóa quy trình quản lý dự đoán nhu cầu thuốc và quy trình cung ứng, nhờ đó giảm thiểu lãng phí và chi phí lưu kho. Hệ thống AI có khả năng phân tích và quản lý khối lượng lớn dữ liệu y tế, giúp cải thiện quy trình ra quyết định trong công tác quản lí bệnh viện.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để ứng dụng AI hiệu quả trong ngành Chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, cần giải quyết một số thách thức, khó khăn chính sau đây.
Một là, hạ tầng công nghệ thông tin chưa hoàn thiện. Mặc dù đã có những tiến bộ trong việc nâng cấp công nghệ, nhưng cơ sở hạ tầng để thu thập, chuẩn hóa và lưu trữ dữ liệu y tế của nước ta vẫn còn hạn chế. Điều này gây khó khăn trong việc xử lý và phân tích lượng dữ liệu lớn cần thiết cho AI.
Hai là, thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn và khả năng chấp nhận công nghệ mới. Ngành y tế Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao về công nghệ thông tin và cụ thể là AI. Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu ứng dụng AI trong ngành. Ngoài ra, sự chậm chạp trong việc chấp nhận công nghệ mới từ phía cộng đồng y tế cũng là một thách thức, do đó cần có các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức để bác sĩ và nhân viên y tế hiểu rõ hơn về lợi ích của AI.
Ba là, chi phí đầu tư cao và khả năng tích hợp với hệ thống hiện tại còn hạn chế. Việc triển khai các hệ thống AI đòi hỏi một khoản đầu tư lớn, điều này có thể là rào cản đối với nhiều cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế vừa và nhỏ. Những chính sách hỗ trợ tài chính cho việc triển khai AI trong ngành vẫn còn hạn chế. Nhiều cơ sở y tế vẫn sử dụng hệ thống cũ, không tương thích với công nghệ AI hiện đại. Việc tích hợp AI vào quy trình làm việc hiện tại cần được thực hiện một cách cẩn thận để tránh gián đoạn.
Bốn là, vấn đề bảo mật dữ liệu và hành lang pháp lí chưa rõ ràng. Việc sử dụng AI trong lĩnh vực y tế liên quan đến việc xử lí nhiều dữ liệu nhạy cảm của bệnh nhân. Do đó, vấn đề bảo mật thông tin và tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu là một thách thức lớn. Trong khi đó, việc thiếu những quy định pháp lí rõ ràng về việc ứng dụng AI trong ngành có thể gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc triển khai công nghệ mới, vì vậy cần có khung pháp lí rõ ràng, minh bạch để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc sử dụng AI.
Giải quyết những thách thức, khó khăn nêu trên sẽ giúp Việt Nam khai thác được tối đa tiềm năng của AI trong ngành Chăm sóc sức khỏe, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân.
Để ứng dụng AI hiệu quả trong lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, cần một chiến lược đồng bộ từ Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện quy định pháp lí sẽ là những bước quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của AI trong lĩnh vực này. Đặc biệt, cần có những quy định và hướng dẫn pháp lí rõ ràng để đảm bảo rằng việc triển khai AI trong lĩnh vực y tế sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và bảo mật dữ liệu. Điều này sẽ giúp giảm bớt lo ngại về bảo mật thông tin y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ mới trong tương lai.
GIẢI PHÁP ĐỂ CÁC DOANH NGHIỆP PHÁT HUY TIỀM NĂNG CỦA THỊ TRƯỜNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE
Để các doanh nghiệp tiếp tục phát huy tiềm năng của thị trường Chăm sóc sức khỏe, đồng thời để các doanh nghiệp lớn trong ngành trở thành cánh chim đầu đàn dẫn dắt thị trường, cần thực hiện một số giải pháp quan trọng như sau:
Giải pháp đầu tiên là phải tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Các doanh nghiệp cần dành ngân sách cho R&D để phát triển sản phẩm mới và cải thiện chất lượng sản phẩm hiện có. Việc hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và trường đại học cũng sẽ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Điều này không chỉ giúp phát triển các giải pháp mới mà còn tạo ra một môi trường đổi mới sáng tạo trong ngành y tế.
Giải pháp thứ hai là cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường nhiều thách thức như hiện nay, các doanh nghiệp cần áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế như GMP, GLP (Good Laboratory Practice). Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng vào thuốc Việt. Cùng với đó, doanh nghiệp cần tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và uy tín trên thị trường thông qua các chiến dịch tiếp thị hiệu quả và cung cấp sản phẩm chất lượng cao.
Giải pháp thứ ba là chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Đầu tư vào công nghệ thông tin và hạ tầng kĩ thuật là điều kiện cần thiết để đảm bảo hệ thống AI có thể hoạt động hiệu quả, hỗ trợ việc triển khai các giải pháp công nghệ mới, bao gồm cả AI trong ngành Chăm sóc sức khỏe. Điều này bao gồm việc nâng cấp phần mềm, phần cứng và mạng lưới dữ liệu để hỗ trợ việc thu thập và phân tích dữ liệu lớn. Tạo ra môi trường thuận lợi cho sự đổi mới sáng tạo trong ngành dược phẩm sẽ giúp doanh nghiệp phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Giải pháp thứ tư là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định cho sự thành công. Các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc nâng cao kĩ năng cho nhân viên, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và quản lý; đặc biệt, cần tăng cường đào tạo cho nhân viên y tế và các chuyên gia công nghệ thông tin về AI. Việc này không chỉ giúp họ hiểu rõ hơn về công nghệ mà còn giúp họ áp dụng AI một cách hiệu quả hơn trong công việc hàng ngày.
Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư và thu hút nguồn lực cho ngành Chăm sóc sức khoẻ, bao gồm việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp dược trong việc phát triển sản phẩm mới. Ngành Chăm sóc sức khoẻ Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ và nhiều thách thức, khó khăn khác. Để duy trì và phát triển vị thế, các doanh nghiệp trong ngành cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện công nghệ bắt kịp tốc độ phát triển công nghệ toàn cầu, ứng dụng AI nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả đầu ra và tận dụng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Cùng với đó, các tổ chức liên quan cũng có thể kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành thông qua những chương trình giáo dục, các khoá đào tạo chuyên môn và hoạt động truyền thông.
Với tầm nhìn hướng đến xây dựng một Xã hội trí tuệ nhân tạo – Artificial Intelligence World Society (AIWS) hiệu quả, an toàn và công bằng, Diễn đàn Toàn cầu Boston (BGF), Hoa Kì đã và đang thúc đẩy các sáng kiến đổi mới, đóng góp tích cực vào việc định hình tương lai của AI đối với nhân loại. Trong những năm qua, BGF đã hợp tác với nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới như MIT, Harvard và các tổ chức uy tín như Wilson Center, World Leadership Alliance - Club de Madrid… để tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về AI quy tụ nhiều học giả, chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ… cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Tiếp nối những thành công đó, với sứ mệnh tiên phong kết nối trí tuệ nhằm cách mạng hóa y học thông qua sức mạnh của AI, Hội nghị “AI trong ngành Chăm sóc sức khỏe: Chung tay đổi mới, kiến tạo tác động thực tiễn” do BGF và các đối tác tổ chức dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20-22 tháng 5 năm 2025 tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Hoa Kì. Hội nghị sẽ có sự góp mặt của nhiều chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và công nghệ, cùng một số đại diện tiêu biểu của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng AI trong ngành Chăm sóc sức khoẻ. Chương trình dự kiến sẽ tôn vinh những doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực Y tế - Dược phẩm - Chăm sóc sức khỏe, với những bước tiến đột phá về hoạt động doanh nghiệp cũng như tiên phong ứng dụng AI, để lại dấu ấn rõ nét và khẳng định vị thế trong ngành. Đây không chỉ là sự khẳng định giá trị, là minh chứng cho cam kết của các doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo, mà còn là động lực thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục khai thác tiềm năng công nghệ để cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tạo ra lợi thế để hội nhập và vươn tầm trong kỉ nguyên số. Vietnam Report hiện là đối tác chính thức và duy nhất của Diễn đàn Toàn cầu Boston tại Việt Nam. Xem thêm tại đây. |
Vietnam Report