Trong bảng xếp hạng Profit500, đứng đầu Top 10 ngành có lợi nhuận trước thuế bình quân lớn nhất là ngành Viễn thông, tin học, công nghệ.
Ngày 25/9/2019, Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng Profit500 – Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019 - nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh trong nước và quốc tế.
Danh sách 1: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019 (Bảng 1 – B1).
Danh sách 2: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019 (Bảng 2 – B2)
Trong bảng xếp hạng Profit500 năm nay, dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp vẫn thuộc về các ngành Xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (23,9%), ngành Thực phẩm Đồ uống (11%), ngành Tài chính (10,8%), ngành Điện (8,6%) chiếm áp đảo so với các nhóm ngành còn lại
Trong năm 2018, nền kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng trở lại, trong bối cảnh đó tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, khả năng sinh lời tăng, năng lực cạnh tranh có nhiều cải thiện. Tuy nhiên vẫn có sự chênh lệch về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước và giữa các ngành.
Xem xét các chỉ số đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Profit500, có thể thấy, nhìn chung ROA bình quân của các doanh nghiệp Profit500 khoảng 11,9% có xu hướng tăng nhẹ từ mức 11% trong Bảng xếp hạng năm 2018. Điều đó cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản của các doanh nghiệp Profit500 đang được cải thiện trong thời gian qua. Chỉ số ROE bình quân của các doanh nghiệp Profit năm nay cũng tăng lên 20,9% (so với mức 19% năm 2018), cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp Profit500 có chiều hướng tốt hơn (cao hơn mức chuẩn so với chuẩn quốc tế - thông thường doanh nghiệp có ROE ≥ 15% được đánh giá là doanh nghiệp tốt).
Xét theo loại hình sở hữu, các doanh nghiệp trong nước trong Bảng xếp hạng Profit 2019 có khả năng sinh lời (ROA, ROE) thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI trong Bảng xếp hạng Profit500 năm 2019 có hiệu quả sử dụng tài sản đạt khoảng 17% so với mức 11,5% và 12,7% tương ứng của Khối nhà nước và Ngoài nhà nước. Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp FDI cũng vượt trội, với ROE của khối này là 26,4% so với mức 17,6% của khối DNNN. Sự chênh lệch nhiều về khả năng sinh lời cho thấy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mặc dù có cải thiện trong vài năm qua nhưng vẫn còn ở mức thấp và nếu không cải thiện sẽ bị tụt hậu so với các doanh nghiệp FDI năng động và hiệu quả.
Hình 1: ROA và ROE bình quân các doanh nghiệp trong BXH Profit500 năm 2019
Xét theo ngành, những ngành có ROA cao nhất so với mức bình quân chung là các ngành Viễn Thông – Công nghệ Thông tin; Dược phẩm – Y tế; Thực phẩm – Đồ uống; Vận tải…Những ngành có ROE cao nhất so với mức bình quân chung trong Bảng xếp hạng Profit 2019 là các ngành Viễn Thông – Công nghệ Thông tin; Cơ khí; Dệt may – Da Giày; Xây dựng – Bất động sản; Thực phẩm – Đồ uống…
Đây cũng là những ngành nằm trong top những ngành có ROA và ROE cao trong Bảng xếp hạng năm 2018, cho thấy xu hướng độc lập, tự chủ về tài chính trong những ngành này đã mang lại kết quả khá tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành.
Hình 2: ROA và ROE bình quân trong các ngành trong BXH Profit500 năm 2019
Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng Profit500, Vietnam Report đã tiến hành nghiên cứu khảo sát các doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhằm tìm hiểu thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp, những biến động ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian qua cùng những dự báo cho giai đoạn tới.
Khởi sắc về kết quả kinh doanh
Về cơ bản các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh năm nay khởi sắc hơn năm trước. Có 82% số doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2019 dự kiến sẽ tăng lên so với năm 2018 và có 79% cho rằng Lợi nhuận sau thuế cũng tăng lên so với năm 2018 trước đó. Nhìn chung các doanh nghiệp đánh giá cao việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và kỳ vọng kết quả kinh doanh thuận lợi trong năm 2019 này.
Hình 3: Nhận định của doanh nghiệp về Doanh thu/Lợi nhuận năm 2019 so với năm 2018
Niềm tin về môi trường kinh doanh
Nhận xét về môi trường đầu tư và kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2019, phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng ở mức chấp nhận được. Một số khía cạnh trong môi trường đầu tư và kinh doanh được doanh nghiệp đánh giá tốt có thể kể đến là Quản lý kinh tế vĩ mô của chính phủ (có đến 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá là tốt, 5% đánh giá là rất tốt); Tiếp cận vốn (các tỷ lệ tương ứng là 86,3%); Hệ thống thuế và quản lý thuế (80,4% và 8,9%).
Trong khi đó một số lĩnh vực có tỷ lệ đánh giá kém bao gồm: Cơ sở hạ tầng (30%); Hiệu quả của dịch vụ hành chính (29,8%) và Tiếp cận đất đai (27,8%).
Trên thực tế, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành. Trong số hơn 5.000 điều kiện kinh doanh, đến nay đã có 542 điều kiện được sửa đổi, 771 điều kiện được bãi bỏ, 111 điều kiện được thay thế. Tính ra có 30% số điều kiện đã được cắt bỏ và sửa đổi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, kết quả cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam còn rất chậm và chưa đi vào thực tế, thực chất. Nhiều nội dung sửa đổi điều kiện kinh doanh chỉ nhằm mục đích tránh gây sự chú ý chứ không phải cắt giảm thực sự. Nhiều nơi đã đạt và vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh, nhưng nội dung cắt giảm cũng như hiệu quả cắt giảm vẫn còn là vấn đề đặt ra.
Hình 4: Đánh giá của doanh nghiệp về Môi trường đầu tư, kinh doanh 2019
5 rào cản – 3 chiến lược ưu tiên cho giai đoạn mới
Khi được hỏi về những rào cản hoặc thách thức nào có khả năng ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, đa số các doanh nghiệp chọn ra 5 rào cản/thách thức chính bao gồm Thủ tục hành chính phức tạp (55,6%); Nỗi lo tăng trưởng kinh tế không ổn định (52,4%); Nỗi lo về tăng gánh nặng thuế (39,7%); Biến động tỷ giá (36,5%) và Khó tiếp cận nguồn vốn (30,2%).
Một số rào cản cụ thể khác mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 14% nhưng cũng rất đáng lưu tâm đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; Ràng buộc về hành lang kỹ thuật trong xuất khẩu và vấn đề thuế chống bán phá giá
Trên thực tế các điểm nghẽn này, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều cải thiện nhưng còn rất nhiều vấn đề. Năm 2018 đã có nhiều quyết liệt, nhiều cải thiện, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, được quốc tế và doanh nghiệp trong nước ủng hộ, đánh giá cao. Trong năm 2019, từ dự báo đầu năm cũng cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ gặp thách thức hơn, khó khăn hơn nên Chính phủ cũng đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng thấp, từ từ 6,6 đến 6,8%. Trong báo cáo sách trách Kinh tế Việt Nam 2018 và những dự báo cho năm 2019, Vietnam Report cũng đã nêu ra năm 2019 này áp lực về lạm phát, tỉ giá, lãi suất tăng vẫn còn nhiều và diễn biến về các rủi ro bên ngoài như chiến tranh thương mại, địa chính trị, các ngân hàng TW tăng lãi suất.
Hình 5: Top 5 rào cản, thách thức chính ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng doanh nghiệp trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020 theo nhận định của doanh nghiệp (Đơn vị: %)
Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đang đặt trọng tâm chiến lược vào sức mạnh nội tại của chính bản thân doanh nghiệp. Trong câu hỏi về Top 3 chiến lược ưu tiên để tăng doanh thu trong năm 2019 và ít nhất 6 tháng đầu năm 2020, có gần 80% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ ưu tiên vào việc Tăng năng suất lao động của nhân viên; tiếp đó là Tìm kiếm nhóm khách hàng mới (khoảng 76%) và Tìm kiếm thị trường mới (khoảng 70%). Cũng trong một câu hỏi bổ sung về chiến lược nào doanh nghiệp ưu tiến để tăng trưởng lợi nhuận trong ít nhất 12 tháng tới, phần lớn doanh nghiệp lựa chọn hình thức Ứng dụng công nghệ và kỹ thuật cao vào sản xuất kinh doanh (chiếm tỷ lệ khoảng 70%)
Hình 6: Top 3 chiến lược tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới
Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Công nghệ và Doanh nghiệp
Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới được đánh giá là mang lại cơ hội lớn cho các quốc gia. Theo các chuyên gia kinh tế, CMCN 4.0 giúp các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường phát triển. DN ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm, sẽ có sự thay đổi lớn từ phía cung hàng hóa thông qua việc tiết giảm chi phí và tăng năng suất lao động. Cùng với đó, chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, các chi phí thương mại được giảm bớt. Từ đó, thị trường của DN sẽ được mở rộng.
Và trong bảng hỏi năm nay, Vietnam Report có đưa thêm các câu hỏi khảo sát về tình hình ứng dụng công nghệ trong cộng đồng các doanh nghiệp Profit500. Tín hiệu đáng mừng là có đến 48% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết hiện đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ; 44% cho rằng đang đầu tư từ từ, thay đổi từng bước trong hoạt động doanh nghiệp.
Hình 7: Dự định đầu tư vào công nghệ giai đoạn 2019 – 2020 của doanh nghiệp Profit 500
Đối với các doanh nghiệp đã có đầu tư vào công nghệ, Top 03 chiến lược chuẩn bị của doanh nghiệp đó là số hóa các hoạt động quản trị doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 65,6%); Tăng chi cho đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ (63,9%) và Phát triển kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng qua công nghệ số (45,9%).
Trong Hội nghị Vietnam CEO Summit cũng do Vietnam Report tổ chức vào tháng 8 vừa qua về chủ đề Chiến lược chuyển đối số cho doanh nghiệp Việt, các lãnh đạo doanh nghiệp lớn Việt Nam và các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số cũng thống nhất quan điểm rằng rất nhiều lĩnh vực có thể hưởng lợi sớm từ chuyển đổi số và cùng tạo ra những hình thức kinh doanh mang lại giá trị mới cho con người và xã hội. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, nên các doanh nghiệp vẫn cần thay đổi liên tục để thích ứng và giải quyết những thách thức này. Khảo sát ngắn trước thềm Hội nghị của Vietnam Report với nhóm doanh nghiệp lớn cũng cho thấy, hơn 85% CEO tin rằng kinh tế số hóa và chuyển đổi số sẽ ảnh hưởng đến ngành của họ, nhưng chỉ có ít hơn 10% đang thực hiện một chiến lược chuyển đổi số thực sự. Rõ ràng, nếu không thay đổi, một doanh nghiệp có khả năng sẽ không còn tồn tại trong vài năm tới, bất kể quy mô thế nào chăng nữa.
Hình 8: Chuẩn bị của doanh nghiệp cho CMCN 4.0
Trong xu hướng số hóa các hoạt động trong sản xuất kinh doanh, tiếp cận với công nghệ cao để thích ứng với CMCN 4.0, các doanh nghiệp Profit500 cho biết mục tiêu của doanh nghiệp khi đầu tư vào công nghệ giai đoạn 2019-2020 phần lớn là để Tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả hoạt động (tỷ lệ 78,7%), tiếp đó là Tăng cường vị thế cạnh tranh và xây dựng thị phần (70,5%) và Gia tăng năng suất và sự gắn kết nhân viên với tổ chức (57,4%).
Rõ ràng rằng nền tảng công nghệ và chuyển đổi số đang dần biến kinh doanh trở thành một sân chơi bình đẳng hơn – nơi một công ty nhỏ có thể đánh bại một đế chế doanh nghiệp hùng mạnh với tuổi đời hàng trăm năm. Khảo sát của công ty tư vấn McKinsey cho thấy cứ 10 công ty có tên trong danh sách Fortune 500 hiện nay, sẽ có 4 công ty biến mất trong vòng 10 năm tới, nhường chỗ cho các công ty mới, biết tận dụng thế mạnh của công nghệ và số hóa để bứt phá. Sự bắt đầu của thời kỳ công nghệ, chuyển đổi số với luật chơi mới đã đặt lại định nghĩa về nhu cầu và thị trường cho mọi ngành nghề
Hình 9: Mục tiêu của doanh nghiệp khi đầu tư vào công nghệ
Công nghệ vẫn là ngành tiếp tục thu hút đầu tư
Nhận định về những ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong giai đoạn tới, công nghệ vẫn là ngành top đầu trong kì vọng của các doanh nghiệp (tỷ lệ 20,2% doanh nghiệp phản hồi), kế đến là ngành xây dựng, bất động sản và bán lẻ (cùng chiếm tỷ lệ 15%). Trong bảng xếp hạng Profit500, đứng đầu Top 10 ngành có lợi nhuận trước thuế bình quân lớn nhất là ngành Viễn thông, tin học, công nghệ. Tuy số lượng doanh nghiệp chỉ chiếm 3,6%, đây vẫn luôn là ngành tiềm năng với các chỉ số lợi nhuận tăng trưởng ổn định.
Hình 10: Top 6 ngành có tiềm năng tăng trưởng giai đoạn 2020 - 2025
Lễ tôn vinh và công bố danh sách chính thức Bảng xếp hạng Profit500 năm 2019 được tổ chức vào ngày 06/11/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP. Hà Nội.
Thông tin chi tiết về Bảng xếp hạng được đăng tải trên website: http://profit500.vn
Vietnam Report
Vietnam Report