Theo Khảo sát doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam thực hiện bởi Vietnam Report tháng 02/2022, Top 6 ngành tiềm năng tăng trưởng tốt trong 2-3 năm tới bao gồm: (i) Công nghệ thông tin/Viễn thông; (ii) Vận tải/Logistics; (iii) Dược phẩm/Y tế; (iv) Bất động sản/Xây dựng; (v) Nông nghiệp; (vi) Tài chính/Ngân hàng.
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500, thực hiện bởi Vietnam Report - Tháng 02/2022
Thứ nhất, nhóm ngành Công nghệ thông tin/Viễn thông có tiềm năng và cơ hội phát triển do hưởng lợi từ xu thế chuyển đổi số. Trái với những ảnh hưởng tiêu cực của Đại dịch Covid-19 lên đa phần các ngành nghề, lĩnh vực; các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, viễn thông lại có nhiều cơ hội tăng trưởng nhờ xu hướng chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ. Nền kinh tế số của Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân tới 29% mỗi năm và dự kiến sẽ đạt mức doanh thu 52 tỷ USD vào năm 2025.
Thứ hai, ngành Vận tải/Logistics có tiềm năng và cơ hội phát triển gắn với sự trở lại hội nhập kinh tế toàn cầu sau Đại dịch và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử với cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện. Có vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định, dân số trẻ với sức mua tăng và thị trường bán lẻ trực tuyến bùng nổ, ngành Vận tải/Logistics Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhờ nhu cầu mua bán hàng hóa ngày càng tăng. Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2017 về việc phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.
Ngành Vận tải/Logistics vẫn là lĩnh vực đang thu hút đầu tư mạnh tại Việt Nam và dự báo sẽ tăng trưởng vượt trội tới 42% mỗi năm nhờ xu hướng mua sắm trực tuyến, làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sản xuất, các ngành công nghiệp phụ trợ, các chính sách đầu tư của Nhà nước vào các vùng kinh tế trọng điểm và các Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết.
Thứ ba, ngành Dược phẩm/Y tế có tiềm năng và cơ hội phát triển đến từ cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam đang có tốc độ già hóa nhanh, người dân ngày càng quan tâm đến chăm sóc sức khỏe với những biến cố về ô nhiễm môi trường, thiên tai và dịch bệnh, dẫn đến mức chi tiêu cho y tế cũng gia tăng. Dự đoán riêng thị trường Dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 16,1 tỉ USD năm 2026, với tỉ lệ tăng trưởng kép lên tới 12% tính theo đồng Việt Nam và sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng ngành mạnh và ổn định nhất thế giới.
Làn sóng mua lại và sáp nhập (M&A) cũng sẽ là động lực tăng trưởng của ngành Dược trong thời gian tới khi các doanh nghiệp dược phẩm mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn như EU-GMP, Japan-GMP và nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp.
Thứ tư, ngành Bất động sản/Xây dựng có tiềm năng và cơ hội phát triển gắn với bối cảnh thị trường bất động sản “nóng” trở lại sau Đại dịch Covid-19 kéo theo sự hồi phục mạnh mẽ từ các nhóm ngành phụ trợ như vật liệu xây dựng, xây lắp thi công.
Với dự báo sẽ duy trì tăng trưởng hơn 6% trong những năm tới, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế vừa và nhỏ có sức bật tốt, lợi thế về quy mô dân số, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh... so với nhiều nước trong khu vực. Đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh tranh giúp ngành Bất động sản/Xây dựng Việt Nam duy trì nhịp tăng trưởng tới 15%/năm trải đều trong các phân ngành từ nhà ở, văn phòng, khách sạn, du lịch và đặc biệt hứa hẹn tăng trưởng nóng trong phân ngành bất động sản công nghiệp, bán lẻ, kho vận.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công cùng những gói hỗ trợ về phục hồi kinh tế, không chỉ tạo cơ hội cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản mà còn cả những công trình khác về hạ tầng kỹ thuật, văn hóa, xã hội,... Do đó, ngành xây dựng nói chung, vật liệu xây dựng nói riêng sẽ có cơ hội phát triển rất tốt và thị trường xây dựng Việt Nam dự kiến đạt 94,93 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng lạc quan trong thận trọng 12% năm.
Thứ năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động của Đại dịch COVID-19 gây đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và xáo trộn các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Đây là tiền đề, động lực quan trọng đồng thời là căn cứ để khẳng định tiềm năng và cơ hội phát triển của ngành. Dự báo xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn Ngành sẽ tiếp tục đạt kết quả cao kỷ lục và tốc độ tăng trưởng tăng ít nhất 15% mỗi năm.
Thứ sáu, ngành Tài chính/Ngân hàng vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tốt kể cả trong Đại dịch Covid-19 và sau Đại dịch vẫn có tiềm năng và cơ hội phát triển dựa trên triển vọng lạc quan vào phục hồi kinh tế với trọng tâm đẩy mạnh mảng bán lẻ, cho vay cá nhân, cho vay bất động sản. Ngành Tài chính/Ngân hàng là một trong các ngành được kỳ vọng tăng trưởng tốt với nhiều ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20%-30% trong từng năm mặc dù vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn như lạm phát quay lại, sự phục hồi của một số ngành vẫn chậm…./.
Vietnam Report