Mục tiêu cao nhất của SASCO là trở thành đơn vị đồng hành cùng Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, góp phần đưa thị trường Hàng không Việt Nam đứng ở top 4 trong các nước ASEAN vào năm 2020.
Năm 2016 thị trường hành khách hàng không có sự tăng trưởng mạnh ước đạt 52,2 triệu khách, tăng trên 29% so năm 2015. Dự báo thị trường hàng không thế giới giai đoạn 2015 – 2035, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhận định Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 5 thị trường có lượng khách di chuyển bằng đường hàng không cao nhất thế giới (sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia).
Chính sự tăng trưởng nóng của thị trường hàng không đã tác động tích cực, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ. Điển hình như trường hợp của Công ty cổ phần dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) - hiện đang kinh doanh chính trong lĩnh vực bán hàng miễn thuế, kinh doanh bán lẻ, ẩm thực, dịch vụ phòng chờ và các dịch vụ khác, mới đây đã công bố bản báo cáo tài chính 2016 với kết quả tăng trưởng ấn tượng nhất từ khi niêm yết trên sàn UPCOM. Năm qua, SASCO đã phục vụ hơn 15.5 triệu lượt khách, lợi nhuận sau thuế đạt mức 233,9 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty tăng từ 37,1% lên 42,5%, tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực dịch vụ sân bay tại Việt Nam.
2016 cũng là năm thứ 10 liên tiếp SASCO nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; Tự hào công nhận thương hiệu Quốc gia; Là thương hiệu hàng đầu Việt Nam 3 năm liên tiếp; Top 10 doanh nghiệp bền vững ngành dịch vụ.
Đây là thành quả sau hai năm cổ phần hóa của SASCO với những bước chuyển mình mạnh mẽ, triển khai đồng bộ chiến lược phát triển kinh doanh, tăng cường công tác quản trị. Cụ thể, SASCO tập trung các hoạt động phát triển theo chiều sâu như nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ chi phí, quản trị công ty theo các chuẩn mực hiện đại để giảm thiểu rủi ro, qua đó mở rộng tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa các dịch vụ, phát triển thêm các khách hàng… Bước ngoặt đó đã mang tới hiệu quả rõ rệt: chất lượng dịch vụ được nâng tầm, cơ sở vật chất đầu tư nâng cấp, hệ thống đánh giá kiểm soát chất lượng không ngừng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Bức tranh hàng không sáng sủa là dấu hiệu đáng mừng tuy nhiên sự quá tải của các cảng hàng không và xu thế hội nhập cũng đem tới thách thức không nhỏ đối với đơn vị cung cấp dịch vụ sân bay. Theo đó, kể từ 2016, các hãng hàng không của 10 quốc gia ASEAN sẽ cùng khai thác, sử dụng chung một bầu trời (Bầu trời mở ASEAN) – nghĩa là tất cả các hãng hàng không trong khu vực Đông Nam Á có thể tự do hóa vận tải, cạnh tranh hạ tầng khai thác, cạnh tranh giá vé và chất lượng dịch vụ. Hệ quả là số lượng hành khách tới Việt Nam sẽ tăng nhưng đồng thời kéo theo đó là sự cạnh tranh quyết liệt trên sân nhà.
Đứng trước những thách thức này, bà Đoàn Thị Mai Hương – Tổng Giám đốc Công ty SASCO cho hay: "Hiện tại với các dịch vụ sân bay thì sức mua tổng thể của thị trường chưa tương xứng với lượng hành khách tăng trưởng. Lượng hành khách quá tải cũng là yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ. Ví dụ Cảng hàng không Tân Sớn Nhất, là cửa ngõ giao thương, du lịch, kinh tế trọng điểm của đất nước, hiện tại chỉ có công suất 25 triệu lượt hành khách/năm, nhưng lượng khách qua sân bay năm 2016 đã lên đến 32 triệu lượt".
Đối diện với những khó khăn này, SASCO quyết tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đưa các sản phẩm chất lượng đến khách hàng với giá cả hợp lý nhất để biến khó khăn thành thuận lợi, củng cố niềm tin cho khách hàng, từ đó nâng tầm phát triển của Công ty.
Cụ thể, trong chiến lược của SASCO đặc biệt chú trọng: 1. Cung cấp các dịch vụ cao cấp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất so với các sân bay khác trong khu vực; 2. Đa dạng thêm các hình thức kinh doanh ẩm thực, bán lẻ… đáp ứng phân khúc khách hàng mới hàng không giá rẻ, không có nhu cầu chi tiêu cao; 3. Đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó đưa thông tin về cảng hàng không, dịch vụ hàng không tới hành khách trong và ngoài nước, phát triển đối tác. 4. Tăng cường công tác nghiên tứu thị trường, các chương trình tiếp thị, khuyến mãi hấp dẫn đem đến những trải nghiệm thú vị cho hành khách khi đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Mục tiêu cao nhất của SASCO là trở thành đơn vị đồng hành cùng Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, góp phần đưa thị trường Hàng không Việt Nam đứng ở top 4 trong các nước ASEAN vào năm 2020”.
Cánh cửa hội nhập mở ra, song hành với đó là thách thức nhưng nếu tận dụng tốt thì đây chính là cơ hội vàng để bứt phá. Chính sách “Bầu trời mở ASEAN” khởi động từ 2016 và sẽ được thực hiện dần, hướng đến mục tiêu tự do hóa hoàn toàn vào năm 2020.
Điều quan trọng nhất mà các hãng hàng không và các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực dịch vụ sân bay cần làm ngay từ bây giờ là đưa ra lộ trình, kế hoạch với các bước và mục tiêu rõ ràng. Trong đó trọng tâm chính xoay quanh giá thành và chất lượng dịch vụ. Dịch vụ đồng bộ, không ngừng nâng cao tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế với giá thành cạnh tranh, chỉ khi như vậy các doanh nghiệp mới có thể cạnh tranh lâu dài và tồn tại bền vững trong môi trường kinh doanh đặc thù này, từ đó tiến tới mở rộng thị phần ra các nước bạn.
SASCO