Phát triển kinh tế tư nhân cần có chính sách thích hợp

23/09/2019

Chuyên mục:

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là động lực phát triển của nền kinh tế và dư địa để cho DNTN phát triển còn rất lớn. Đây được xem là một trong những động lực góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển đi tới thịnh vượng. Tuy nhiên, để thực hiện được cần có những chính sách thích hợp, tạo động lực thúc đẩy DNTN “cất cánh” đúng như kỳ vọng.

Theo dự báo của các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, đến năm 2020, khu vực kinh tế tư nhân có thể sẽ đóng góp khoảng 70% GDP của Việt Nam, năm 2025 đóng góp khoảng 75%, đến 2030 đóng góp khoảng 80%. Tuy nhiên, điểm yếu của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay là qui mô doanh nghiệp còn quá nhỏ, thiếu các doanh nghiệp cỡ vừa và nhiều chủ thể kinh tế khu vực tư nhân “không chịu lớn”.

Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung thể chế hoá về các chính sách kinh tế liên quan đến kinh tế tư nhân. Nhờ cơ chế chính sách tạo ra, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển tích cực. Hết năm 2018, Việt Nam có 715.000 DNTN, chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến 2020 phải có 1 triệu DNTN hoạt động nhưng hiện tại mới đạt 715.000, đây là một thách thức.

Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019, ông David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Hoa Kỳ), nguyên Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc cho rằng, so với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam có chế độ pháp quyền tương đối tốt, thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, nhưng đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp bởi chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đáng nói, hoạt động xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài đảm nhiệm.

Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để DNTN phát triển, vượt qua được thách thức thì phải rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là những luật liên quan đến thể chế, Luật Công chức viên chức; các luật, chính sách về kinh tế như Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đất đai. Những luật này phải phá vỡ rào cản và tạo điều kiện cho các DNTN tiếp cận được với nguồn lực về đất đai, tài chính, yếu tố sản xuất... Ngoài ra, cần cố gắng để giảm những chi phí tuân thủ pháp luật như lệ phí kinh doanh và những chi phí không chính thức gây khó khăn cho các doanh nghiệp…

Từ góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, khu vực tư nhân đóng vai trò hết sức quan trọng như những tay chèo, còn Nhà nước đóng vai trò kiến tạo động lực, dẫn dắt và cầm lái con thuyền. Do vậy, cần đổi mới thể chế cho phù hợp, định hướng, thúc đẩy khu vực tư nhân nâng cấp trình độ quản trị, công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi phát triển bền vững là hệ giá trị nền tảng.

Để DNTN phát triển, ông David Dollar lưu ý, Việt Nam cần tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, mở cửa ngành tài chính như đã làm đối với ngành sản xuất chế tạo. So với các nước ASEAN và Trung Quốc, chỉ số thu nhập bình quân đầu người của VN khá tốt. Để cải thiện thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng cao và thu hút đầu tư hiệu quả tốt và để làm được điều này, buộc Việt Nam phải có cải cách mạnh mẽ, ngay cả Mỹ muốn duy trì tăng trưởng tốt vẫn phải liên tục thực hiện cải cách.

“So với các nước trong khu vực, tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực tài chính và khu vực tư nhân trong nước còn thấp. Đây là nghịch lý trong phát triển ở Việt Nam, trong khi thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá tốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy, DNTN ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và gặp nhiều khó khăn để phát triển”, ông Dollar nói…

Lưu Hiệp

Tổng hợp

Vietnam Report