MB: Hành trình 27 năm trở thành Ngân hàng số hàng đầu

04/11/2021

Chuyên mục:

Trải qua 27 năm phát triển trên thị trường tài chính Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ghi dấu với những bước chuyển mình mạnh mẽ, tiên phong triển khai chuyển đổi số, từng bước hiện thực hóa mục tiêu "Trở thành Ngân hàng thuận tiện hàng đầu" với khách hàng.

Thành quả từ tầm nhìn chiến lược

Đại dịch COVID-19 là "biến số" làm đảo ngược sự phát triển của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên toàn cầu, song với ngành ngân hàng, dịch bệnh là chất xúc tác để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận một lượng lớn khách hàng mà không cần mở rộng đầu tư chi nhánh và phòng giao dịch vật lý.

Từ năm 2017, MB đã chọn một hướng đi mới, đó là chuyển đổi hoạt động sang nền tảng số. Vào thời điểm còn ít người hiểu về ngân hàng số, đại diện MB đã khẳng định với cổ đông MB rằng, MB sẽ là ngân hàng đầu tiên không giấy tờ tại Việt Nam. Năm 2018, MB chính thức hợp tác chiến lược với IBM - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Theo đó, IBM tư vấn, cập nhật thường xuyên các xu hướng công nghệ mới bậc nhất cho MB và hỗ trợ MB chuyển đổi hoạt động sang nền tảng số, với đội ngũ chuyên gia tốt bậc nhất để dẫn đầu xu hướng này.

Với nền tảng công nghệ, tài chính vững vàng, MB vượt qua thách thức đại dịch COVID-19 một cách ngoạn mục khi liên tục tăng trưởng về hiệu quả và mọi mặt hoạt động trong hai năm gần đây. Đại dịch tạo nên những thách thức rất lớn cho nền kinh tế, nhưng lại là thời cơ "vàng" cho những doanh nghiệp chuẩn bị được nền tảng công nghệ hiện đại như MB tăng tốc, triển khai mạnh mẽ chiến lược số, không chỉ trong nội bộ mà còn kết nối, hỗ trợ hệ sinh thái nhiều triệu khách hàng.

"Mọi thứ xoay quanh khách hàng"

"Với MB, nếu AI, blockchain hay bất cứ công nghệ mới nào mà không làm tăng trải nghiệm của khách hàng thì MB sẽ không sử dụng" – Thành viên Ban điều hành, Giám đốc Khối Ngân hàng số MB Vũ Thành Trung cho hay. Với triết lý kinh doanh "Lấy khách hàng làm cốt lõi", mọi sản phẩm, dịch vụ được MB đưa ra thị trường đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và mong muốn tại mỗi điểm tiếp xúc với khách hàng.

Trong năm qua, MB đã triển khai tích hợp tất cả các giao dịch ngân hàng và quản lý tài chính hoàn toàn miễn phí trên App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân), BIZ MBBank (dành cho khách hàng doanh nghiệp) và mô hình giao dịch ngân hàng tự động MB SmartBank. MB cũng là ngân hàng đầu tiên cho phép khách hàng sở hữu nhiều số tài khoản tương tự như "một chiếc ví nhiều ngăn" hay miễn phí tài khoản tứ quý, tài khoản trùng số điện thoại, tài khoản trùng ngày sinh…trên App MBBank.

MB: Hành trình 27 năm trở thành Ngân hàng số hàng đầu - Ảnh 1.

MB là ngân hàng tiên phong triển khai thanh toán qua mã VietQR ngay trên App MBBank

Tính đến hết 9 tháng đầu năm, MB đã có gần 8 triệu người dùng App MBBank, riêng trong năm 2021 đã có trên 4,5 triệu user tăng thêm và lũy kế gần 60.000 quản lý cấp độ doanh nghiệp sử dụng App BIZ MBBank. Tổng giao dịch trên kênh số của MB chiếm đến 94% số lượng giao dịch. Những con số này là minh chứng rằng hệ sinh thái tiện ích và khác biệt trên các nền tảng số đã giúp MB đạt được vị thế dẫn đầu trong cuộc đua marathon chuyển đổi số.

Làm chủ công nghệ để đi nhanh hơn, xa hơn

Chia sẻ về chiến lược dài hạn của MB, ông Lưu Trung Thái khẳng định: "Chúng tôi muốn trở thành một doanh nghiệp số dẫn đầu. Đó là lý do MB luôn tập trung đầu tư cho con người và nền tảng, quyết tâm làm chủ công nghệ, nhằm đảm bảo tốc độ và lợi thế cạnh tranh trên thị trường."

MB: Hành trình 27 năm trở thành Ngân hàng số hàng đầu - Ảnh 2.

Mục tiêu của MB là trở thành một doanh nghiệp số hàng đầu

Hiện nay, MB là một trong những ngân hàng có đội ngũ nhân sự và chuyên gia công nghệ hùng hậu bậc nhất Việt Nam, với 1.200 nhân sự, chiếm hơn 10% tổng nhân sự toàn ngân hàng. Ban lãnh đạo MB tin rằng, chuyển đổi số là cơ hội để MB bứt phá trở thành một doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn, trong đó nhân sự công nghệ đóng vai trò là "mắt xích" quan trọng, thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả và bền vững.

Điểm khác biệt trong vận hành và kinh doanh theo mô hình Agile của MB chính là "quy trình ngược". Thay vì quản lý truyền thống từ trên xuống, MB lấy khách hàng là trọng tâm, tập trung phát triển sản phẩm từ trải nghiệm thực tế của khách hàng, từ đó cải thiện, nâng cấp dịch vụ theo phản hồi của khách hàng. "Các công nghệ lõi hiện nay của MB đều do MB làm chủ, không phụ thuộc vào bên thứ ba. Đội ngũ công nghệ thông tin của chúng tôi sẽ chủ động sửa chữa, nâng cấp công nghệ ngay khi cần. Đó là chìa khóa để chúng tôi đi nhanh, chắc" – đại diện MB chia sẻ.

MB xác định đến năm 2024, nhân sự công nghệ sẽ chiếm tới 25% nhân sự toàn ngân hàng và trở thành lực lượng chủ chốt hỗ trợ MB mở rộng quy mô và hoạt động trong vai trò là một doanh nghiệp công nghệ.

Ngân hàng TMCP Quân đội