Những chiến lược phát triển bền vững trong bối cảnh biến động & Vai trò của công bố và minh bạch thông tin đối với việc phát triển uy tín thương hiệu.
Top 50 Công ty Đại chúng Uy tín và Hiệu quả năm 2022 (VIX50) – Những doanh nghiệp vượt trội về sức mạnh tài chính và truyền thông
Đầu tháng 6/2022 vừa qua, Vietnam Report đã công bố bảng xếp hạng Top 50 Công ty Đại chúng Uy tín và Hiệu quả năm 2022. Đây là lần thứ 2 Vietnam Report công bố bảng xếp hạng này nhằm ghi nhận những công ty đại chúng thể hiện sự vượt trội về sức mạnh tài chính và truyền thông, mà còn thể hiện tiềm năng tăng trưởng, mức độ phát triển bền vững, chất lượng quản trị và vị thế trong ngành.
Tại thời điểm công bố bảng xếp hạng, vốn hóa của 50 công ty đại chúng trong danh sách VIX50 của Vietnam Report chiếm trên 53% của toàn thị trường, ROE năm 2021 trung bình đạt 20,8%, tốc độ tăng trưởng kép của doanh thu và lợi nhuận trung bình 5 năm đạt tương ứng lần lượt là 19,1% và 31,7%.
So với bảng xếp hạng năm 2021, VIX50 ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên của một số doanh nghiệp như FPT Retail (FRT), Gemadept (GMD), Tập đoàn Kido (KDC), Ngân hàng Maritime (MSB), Ngân hàng Phương Đồng (OCB), Tập đoàn PC1 (PC1), Viettelpost (VTP), Vĩnh Hoàn (VHC) và Đường Quảng Ngãi (QNS). Đây là sự ghi nhận của Vietnam Report về những nỗ lực và kết quả ấn tượng mà các đơn vị này đạt được trong khoảng thời gian có rất nhiều khó khăn vừa qua.
Trong danh sách của VIX50, có 30 doanh nghiệp đạt vốn hóa trên một tỷ USD, 21 doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1 tỷ USD, và 40 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy sức mạnh nội tại, khả năng thích ứng, vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động của các doanh nghiệp trong top 50 Công ty Đại chúng Uy tín và Hiệu quả.
Do đặc thù ngành hàng, nhóm ngành ngân hàng chiếm nhiều cái tên nhất với 14 cái đại diện xuất hiện trong Top 50. Bên cạnh đó là nhóm ngành sản xuất thực phẩm (6), bất động sản (5), bán lẻ (4), dịch vụ tài chính (4). Trong danh sách này, Petrolimex là quán quân về doanh thu, còn Vinhomes là quán quân về lợi nhuận. Xét về hiệu quả sinh lời ROE thì Hoa Sen là doanh nghiệp đứng đầu, tiếp đó là Hóa chất Đức Giang và Hòa Phát. Các tên tuổi như Hóa chất Đức Giang (DGC), Vinhomes (VMH), Thế giới số (DGW), Bưu chính Viettel (VTP) thuộc nhóm doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu giai đoạn 2017-2021 cao nhất thị trường (trên 50%).
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang nỗ lực củng cố nội lực để vượt qua các thách thức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp VIX50 cần phải tiếp tục cân bằng chiến lược tối ưu hóa chi phí đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng trong bối cảnh mới. Đây cũng chính là thời điểm thích hợp để rà soát lại các lĩnh vực ưu tiên và tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị và vận hành doanh nghiệp theo những phương thức mới để giữ vững được uy tín thương hiệu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp VIX50 trong thời kỳ bình thường tiếp theo.
Để phù hợp với quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, cũng như góp phần tạo ra những doanh nghiệp lớn, đủ tầm dẫn dắt quá trình phát triển, tăng sức thu hút với các nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa, rõ ràng đã đến lúc phải tính đến chất lượng của doanh nghiệp đại chúng thông qua một bộ chỉ số đo lường sức bật của doanh nghiệp. Một bộ chỉ số đo lường và đánh giá bức tranh tổng thể về Doanh nghiệp đại chúng, phản ánh trực tiếp các vấn đề nghị sự của nhóm doanh nghiệp đại chúng này, như VIX50, trong tương lai có thể là giá trị thương hiệu vô hình đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Top 50 Công ty Đại chúng Uy tín và Hiệu quả, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp đại chúng Việt Nam đối với nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp thuộc VIX50 ý thức hơn về nghĩa vụ công bố thông tin, minh bạch, phấn đấu trong hoạt động sản xuất - kinh doanh để giữ vững vị thế của mình.
Các chiến lược phát triển bền vững nói chung trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động trong và ngoài nước
Năm 2022 là một năm thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cơ bản đã bước ra khỏi bóng ma của đại dịch COVID-19 để quay trở lại với nhịp sống bình thường. Theo số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 mới được công bố, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, cải thiện đáng kể so với mức 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng trưởng 8,7%; chỉ số quản trị mua hàng PMI duy trì trên mức 50 điểm trong 08 tháng liên tiếp. Lượng khách quốc tế liên tục gia tăng và đạt gần 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI giải ngân trong nước ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, những rủi ro địa chính trị và vĩ mô thế giới cũng xuất hiện khiến cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang trên đà hồi phục bỗng vấp phải những lực cản to lớn. Chi phí nguyên vật liệu tăng cao gây khó khăn cho quá trình giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ. Tỷ giá USD/VND tăng theo lãi suất của FED làm gia tăng nỗi lo nhập khẩu lạm phát. Giá dầu thế giới ở mức cao cũng khiến giá xăng dầu Việt Nam có 07 lần tăng giá liên tiếp và khiến cho chỉ số giá tiêu dùng CPI của Việt Nam tăng theo. CPI tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước... Mức tăng của CPI tháng 6/2022 được ghi nhận là cao nhất trong giai đoạn 2016-2022.
Khi vĩ mô có nhiều yếu tố tiêu cực thì thị trường chứng khoán, vốn luôn rất nhạy cảm với những biến động kinh tế đã có nhịp điều chỉnh mạnh từ vùng 1.500 điểm xuống vùng 1.150 – 1.200 điểm vào cuối tháng 06/2022. Mức giảm này không thua kém so với nhịp điều chỉnh năm 2018 về tỷ lệ và nhiều yếu tố vĩ mô dự kiến còn có thể xấu hơn so với quá khứ.
Giữa bối cảnh vĩ mô biến động và đầy chông gai, doanh nghiệp Việt Nam vừa vượt qua một thời kỳ dịch bệnh lại tiếp tục phải gồng mình với những biến động mới. Tuy nhiên, trong nguy luôn có cơ, điều quan trọng ở thời kỳ này là tồn tại để bứt phá. Có thể nói, những năm 2020 – 2022 là khó khăn bủa vây với khối doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân. Những doanh nghiệp có dự trữ nội tại, khả năng thích nghi và sức mạnh đủ để vượt qua thời kỳ này đều là những doanh nghiệp tên tuổi, có tiềm lực tài chính lớn và không ngại thay đổi. Vinhomes (VHM), Hòa Phát (HPG), Masan (MSN), Thế giới Di động (MWG), Ngân hàng Ngoại thương (VCB)… đều là những tên tuổi quen thuộc và đứng đầu trong danh sách Top 50 Công ty Đại chúng Uy tín và Hiệu quả của Vietnam Report năm 2022. Ngoài ra, danh sách còn rất nhiều cái tên khác, ở đủ mọi lĩnh vực, dù vốn hóa lớn hay vừa, họ đều là những đại diện xứng đáng và tự hào cho sức mạnh vượt khó của doanh nghiệp Việt trong thời bão giá.
Khi tỷ giá, lãi suất và lạm phát đều trong xu hướng tăng, không khó hiểu khi giá đầu vào của hầu hết doanh nghiệp đều tăng. Vì thế, việc tăng mạnh giá bán sản phẩm, dịch vụ là điều không thể tránh khỏi. Tăng giá đồng nghĩa với doanh số giảm cũng như làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp tự chủ được đầu vào sẽ giúp biên lợi nhuận được cải thiện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể kiểm soát giá bán đầu ra sẽ càng được hưởng lợi khi công suất vẫn không thay đổi nhưng giá tăng sẽ có thể tác động khiến kết quả kinh doanh khả quan hơn.
Để kinh doanh ổn định và vững chắc trong thời bão giá, doanh nghiệp phải tái định vị lại chuỗi giá trị của doanh nghiệp, một trong những chiến lược mà các doanh nghiệp cần quan tâm là đánh giá lại giá trị và giá bán các sản phẩm của mình trong thời kỳ mới. Phân tích các yếu tố vĩ mô có thể ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm, xây dựng chính sách giá mới và đánh giá thường xuyên tâm lý khách hàng với chính sách mới là những bước mấu chốt của chiến lược giá thời kỳ lạm phát.
Lãi suất huy động và cho vay tăng cao trong thời kỳ lạm phát cũng là một yếu tố mà các doanh nghiệp phải chú ý. Đưa hệ số nợ về tỷ lệ an toàn để tiết giảm chi phí lãi vay, tăng lượng tiền và tương đương tiền để dự phòng rủi ro và chuẩn bị cho các kế hoạch đầu tư của doạnh nghiệp.
Hạn chế thâm dụng vốn lưu động cũng là một chiến lược cần đề cao trong giai đoạn lạm phát. Trong khi rất dễ nhận thấy ảnh hưởng của lạm phát đối với lợi nhuận của doanh nghiệp thì ảnh hưởng của nó đối với tình hình tài sản lại khó nhận biết nhưng cần phải chú ý hơn. Khi lạm phát tăng cao, tiền bị mất giá, nên số lượng tiền mặt cần thiết cho các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp cũng tăng lên, nhiều khi mức tăng là rất đáng kể. Khi mô hình hoạt động yêu cầu phải có lượng hàng hóa tồn trữ lớn thì bắt buộc doanh nghiệp phải liên tục bổ sung hàng dự trữ với mức giá ngày càng cao trong giai đoạn lạm phát, đòi hỏi lượng vốn lưu động cũng phải tăng lên. Ngược lại, khi hình thức hoạt động yêu cầu lượng hàng tồn kho ít thì doanh nghiệp đó có thể linh hoạt hơn, thậm chí tận dụng giá thấp hiện tại để thu mua nguyên liệu đầu vào cơ bản để tránh giá cao lúc lạm phát. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động đẩy nhanh vòng quay hàng tồn kho, hạn chế để tồn kho quá lâu, thâm dụng vốn lưu động.
Các chiến lược xây dựng và phát triển hình ảnh, nâng cao uy tín doanh nghiệp
Trong bối cảnh lạm phát và biến động, doanh nghiệp nên hướng trọng tâm vào cơ cấu và hoàn thiện lại bộ máy cũng như con người, định vị thương hiệu nhằm tìm kiếm chiến lược phát triển dài hơi cho doanh nghiệp đi qua thời kỳ khó khăn.
Chiến lược đầu tiên để phát triển hình ảnh và nâng cao uy tín doanh nghiệp là tập trung vào phát triển sản phẩm, cả về chất lượng, mẫu mã và khả năng nhận diện thị trường của sản phẩm. Sản phẩm là cốt lõi của doanh nghiệp. Khi sản phẩm tốt và được khách hàng đón nhận thì giá trị vô hình mang lại là hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp cũng sẽ được gắn kết chặt chẽ vào sản phẩm, và nước lên thì thuyền lại lên.
Đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường phát triển. Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm, sẽ có sự thay đổi lớn từ phía cung hàng hóa thông qua việc tiết giảm chi phí và tăng năng suất lao động.
Chiến lược thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo, truyền thông nội bộ. Phát triển nguồn lao động của doanh nghiệp không chỉ giúp nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, mà nó còn giúp doanh nghiệp giảm tối đa gánh nặng khi phải thúc đẩy và giám sát người lao động làm việc. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp biết xây dựng chiến lược phát triển nhân lực hợp lý sẽ nâng cao tính ổn định của tổ chức. Trong bối cảnh lạm phát và biến động, doanh nghiệp chú trọng phát triển nguồn nhân lực còn có thể thu hút nhân tài từ các đối thủ trong ngành.
Chiến lược thứ tư liên quan đến một chính sách nổi lên gần đây là minh bạch hóa thị trường vốn, cụ thể là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Sau vụ việc của doanh nghiệp Tân Hoàng Minh, có thể thấy việc huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp trái pháp luật hoặc sử dụng không đúng mục đích không chỉ trở thành đích ngắm của cơ quan điều tra, mà còn khiến uy tín của doanh nghiệp sụp đổ. Đi cùng với chính sách, doanh nghiệp không nên bỏ qua kênh huy động vốn này mà nên chuyên nghiệp hóa, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tài chính và pháp lý, kết hợp với truyền thông rõ ràng, minh bạch các sản phẩm trái phiếu của mình để thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp và các quỹ đầu tư tài sản, qua đó nâng tầm thương hiệu của doanh nghiệp.
Vai trò của việc công bố và minh bạch thông tin trước những đòi hỏi của quá trình hội nhập thị trường vốn
Trong thời gian qua, mức độ quan tâm của Chính phủ, truyền thông và công chúng về thị trường tài chính Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng với nhiều chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của dư luận về các vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường vốn Việt Nam thời gian vừa qua: Đó là giao dịch nội gián, công bố thông tin sai sự thật, những thông tin đồn ảnh hưởng tới biến động của thị trường. Thực tế, những vấn đề này không hề xa lạ mà vẫn luôn tồn tại trên thị trường tài chính Việt Nam các năm qua nhưng vẫn chưa dành được sự quan tâm thích đáng trước đó. Những hiện tượng này bộc lộ nhiều điểm hạn chế của các doanh nghiệp đại chúng hiện nay về mức độ quan tâm và cách họ tiếp cận với vấn đề minh bạch thông tin, qua đó cũng phản ánh chất lượng quản trị doanh nghiệp vẫn chưa cao.
Công bố và Minh bạch thông tin là một phần quan trọng của thị trường tài chính và là một yêu cầu quan trọng duy trì niềm tin, tính hiệu quả, giúp đánh giá trình độ phát triển của thị trường tài chính. Theo Cẩm nang quản trị công ty (IFC), việc công bố thông tin là một cách thức để đảm bảo rằng tất cả các bên quan tâm đều có thể tiếp cận thông tin qua một quy trình minh bạch để đảm bảo việc tìm kiếm và thu thập thông tin được dễ dàng, bất kể mục đích tiếp cận thông tin là gì. Công bố thông tin là một công cụ hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, giúp nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong các hoạt động và công tác Quản trị công ty, qua đó giúp bảo vệ tốt hơn quyền cổ đông và xây dựng thị trường tài chính công bằng và ổn định.
Tại Việt Nam, vấn đề công bố thông tin của các công ty đại chúng, tổ phức phát hành chứng khoán đang được quy định bởi Chương VIII Luật Chứng khoán 2019 và Quyết định 21/QĐ-SGDVN của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Theo đó, việc công bố thông tin phải đảm bảo nguyên tắc: Đầy đủ, chính xác và kịp thời trên các khía cạnh.
Về cơ bản, các quy định về công bố thông tin hiện nay đã đưa ra một khuôn khổ về các yêu cầu tối thiểu cho việc công bố thông tin nhưng chưa thể đưa ra được những tiêu chuẩn chất lượng cho thông tin được công bố. Phân tích của các tổ chức quốc tế như OECD, IFC đều cho rằng việc trách nghiệm, nghĩa vụ công bố thông tin nên được thực hiện trên tinh thần tự nguyện cao dựa trên lợi ích hướng tới sự phát triển bền vững và lâu dài của doanh nghiệp. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn đang thực hiện các hoạt động này theo hướng đối phó, chỉ nhằm đáp ứng quy định của pháp luật. Vì vậy thông tin công bố chỉ đáp ứng về mặt hình thức chứ chưa đạt yêu cầu về mặt chất lượng đối với những đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin. Nguyên nhân đến từ việc họ chưa nhìn nhận đúng vai trò của hoạt động công bố thông tin.
Theo IFC, việc công bố thông tin chính xác và kịp thời có ý nghĩa quan trọng với các cổ đông, nhà đầu tư tiềm năng, cơ quan pháp luật và các bên có quyền lợi liên quan: giúp các cổ đông bảo vệ quyền lợi của mình và giúp các đối tượng tham gia thị trường cải thiện khả năng đưa ra quyết định kinh tế hợp lý hơn. Việc công bố thông tin cho phép đánh giá, giám sát các hoạt động của Ban giám đốc điều hành, buộc Ban giám đốc phải có trách nhiệm giải trình trước công ty và các cổ đông, giúp duy trì tính minh bạch và niềm tin của công chúng và thông qua đó làm giảm chi phí vốn của doanh nghiệp.
Minh bạch thông tin còn là một phần của công tác quản trị doanh nghiệp. Đứng trước làn sóng hội nhập thị trường vốn quốc tế ngày càng nhanh, các doanh nghiệp sẽ cần dành sự chú ý nhiều hơn vào công tác này để tận dụng được các cơ hội phía trước. Điều này xuất phát từ sự dịch chuyển hoạt động kinh doanh theo tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp) trong những năm gần đây, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự kiện “thiên nga đen” - đại dịch COVID-19 vừa qua. ESG là bộ tiêu chuẩn mới giúp doanh nghiệp hoạt động bền vững và hiệu quả, qua đó cải thiện khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó việc công bố thông tin là một tiêu chuẩn chủ chốt để đánh giá chất lượng Quản trị doanh nghiệp.
Tuy xu hướng lớn này chỉ mới manh nha trên thị trường tài chính Việt Nam và chưa thật sự được quan tâm đúng mức bởi cộng đồng đầu tư nói chung nhưng thực tế qua quan sát từ Bảng xếp hạng VIX50 cho thấy các doanh nghiệp đứng đầu về hiệu quả và uy tín trong bảng xếp hạng về cơ bản cũng đạt được các tiêu chuẩn cao về công bố thông tin trên nhiều khía cạnh: tần suất và số lượng thông tin công bố gắn liền với hoạt động của công ty, sự đầu tư vào hình thức và chất lượng của trang thông tin điện tử, khả năng tiếp cận của cổ đông tới các thông tin về hoạt động của công ty... Điều này cung cấp những bằng chứng quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp đại chúng/niêm yết khác xét xét nghiêm túc việc nâng cao chất lượng công bố thông tin hướng tới cải thiện hiệu quả hoạt động và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.
Gợi ý nâng cao hiệu quả hoạt động công bố thông tin nhằm cải thiện hình ảnh, uy tín doanh nghiệp
Ngày 26/5/2022, S&P Global Ratings - một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên BB+ với triển vọng “Ổn định”. Đây là sự ghi nhận đối với những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có đóng góp của hoạt động công bố thông tin. Việc này sẽ góp phần nâng cao uy tín quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam. Tuy nhiên, để lấp đầy các “lỗ hổng” cũng như tạo niềm tin cho thị trường, vẫn còn một số việc phải làm.
Thông qua việc đánh giá công tác công bố thông tin, truyền thông của các doanh nghiệp nằm trong VIX50 và tài liệu từ các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp có thể tham khảo các thông lệ dưới đây nhằm cải thiện chất lượng hoạt động công bố thông tin hiện nay.
Xây dựng, nâng cao hiệu quả các kênh công bố thông tin
Website của doanh nghiệp hiện vẫn là kênh truyền thông, tương tác với người sử dụng thông tin quan trọng nhất. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp chưa có sự chăm chút đối với thông tin được cung cấp trên website. Cải thiện chất lượng cung cấp thông tin có thể được thực hiện thông qua cấu trúc lại các mục trên website nhằm đảm bảo thông tin được cung cấp dưới hình thức dễ dàng tìm kiếm, tra cứu, khả năng so sánh và trích dẫn các kênh thông tin khác để người đọc có thể xác nhận. Việc tương tác thông qua thư điện tử hay các cơ quan truyền thông cũng là những cách thức giúp doanh nghiệp đảm bảo thông tin được truyền tải tới các bên liên quan (quan trọng nhất là các cổ đông) một cách kịp thời, bình đẳng.
Xây dựng chính sách về công bố/minh bạch thông tin và công khai chính sách này với các cổ đông
Các thông lệ Quản trị công ty tốt khuyến nghị các doanh nghiệp xây dựng chính sách công bố thông tin, xin phê duyệt từ HĐQT và bắt buộc thực hiện, nhằm đảm bảo cho những người quan tâm tới công ty có thể tiết cận thông tin này một cách dễ dàng và không tốn kém. Theo đó IFC khuyến nghị một số quy định đưa vào chính sách công bố thông tin như sau:
+ Liệt kê các thông tin doanh nghiệp dự kiến công bố
+ Các quy tắc truyền thông và mối liên hệ với phương tiện đại chúng cũng như mức độ thường xuyên của việc truyền thông
+ Yêu cầu các chủ thể điều hành tổ chức họp với các cổ đông và các nhà phân tích
+ Các quy trình trả lời các câu hỏi của cổ đông
+ Liệt kê các thông tin, văn bản và tài liệu cung cấp cho cổ đông tại ĐHCĐ
+ Liệt kê danh sách các thông tin mật
+ Quy trình xác định và xử lý các thông tin nội bộ.
Ở các thị trường phát triển, doanh nghiệp thường công bố ngày dự kiến đăng tải báo cáo tài chính hoặc các thông tin quan trọng khác để nhà đầu tư nắm được lịch và kịp thời cập nhật. Đây là hành động đòi hỏi ít nỗ lực nhưng đem lại hiệu quả lớn trong cách tương tác với nhà đầu tư. OECD cũng khuyến nghị khuôn khổ quản trị công ty phải được bổ sung bằng các biện pháp thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ phân tích hay tư vấn do các tổ chức phân tích, môi giới chứng khoán, định mức tín nhiệm. Thông lệ này khuyến khích doanh nghiệp tổ chức buổi gặp mặt giới phân tích từ các công ty chứng khoán để thông qua đó cung cấp báo cáo phân tích từ bên thứ 3 giúp nhà đầu tư có đánh giá khách quan về các thông tin liên quan tới công ty.
Nâng cao chất lượng thông tin định kỳ cung cấp bởi Báo cáo tài chính
Theo IFC, các thông lệ quốc tế khuyến khích việc Ban điều hành có một báo cáo thảo luận và phân tích về tình hình hoạt động kinh doanh của công ty (MD&A hay gọi tắt là Báo cáo phân tích của Ban giám đốc). Báo cáo này đưa ra quan điểm của Ban giám đốc về hoạt động cũng như triển vọng tương lai của doanh nghiệp nhằm:
+ Bổ sung thông tin cho Báo cáo tài chính
+ Có một định hướng hướng tới tương lai
+ Tập trung vào việc tạo ra giá trị lâu dài
+ Tích hợp triển vọng ngắn và dài hạn
+ Trình bày thông tin quan trọng phục vụ nhu cầu ra quyết định của người sử dụng báo cáo tài chính
+ Phản ánh độ tin cậy, sự so sánh, phù hợp, ổn định và dễ hiểu của báo cáo tài chính.
Báo cáo Ban giám đốc này giúp cung cấp thông tin mang tính chiến lược hơn so với báo cáo tài chính và thường được đi kèm với báo cáo thường niên hoặc công khai hàng quý. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nội dung rất chi tiết cho mục này trong báo cáo thường niên tuy nhiên chất lượng thông tin công bố có sự chênh lệch lớn, trong khi đó số lượng doanh nghiệp có tần suất cập nhật theo quý hoặc theo tháng của các tài liệu có mục đích tương tự là rất hạn chế. Bên cạnh đó dù theo quy chế thì doanh nghiệp niêm yết phải giải trình kết quả kinh doanh nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn giải trình khá sơ sài không có giá trị thông tin đối với người dùng. Nâng cao chất lượng của các báo cáo định kỳ này sẽ giúp người sử dụng thông tin có thêm cơ sở để phân tích và đánh giá báo cáo tài chính, rút ngăn thời gian ra quyết đinh.
Khuyến khích việc cân nhắc song song lập báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế song song với báo cáo theo chuẩn mực Việt Nam (VAS)
Thông tin tài chính là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của việc minh bạch thông tin, giúp cổ đông nắm được tình hình tài chính của công ty. Điều này khiến vai trò cung cấp thông tin của Báo cáo tài chính là trọng yếu để ra quyết định. Bộ Tài chính đã có lộ trình áp dụng chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) tại Việt Nam, theo đó giai đoạn 2022-2025 là giai đoạn tự nguyện áp dụng cho các công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn trước khi bị yêu cầu bắt buộc kể từ sau 2025. Tuy nhiên cho tới hiện tại chưa có nhiều đơn vị công bố báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế. Theo IFC, IFRS có logic kinh tế rõ ràng hơn giúp cung cấp thông tin cho Ban giám đốc tốt hơn VAS, cho phép so sánh tốt hơn với nhóm công ty quốc tế cùng quy mô bên cạnh đó xu hướng hội nhập thị trường vốn toàn cầu cũng hướng tới việc sử dụng IFRS. Vậy nên, doanh nghiệp đại chúng cần có sự chuẩn bị và được khuyến khích sớm tự nguyện áp dụng IFRS. Điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng thông tin tài chính được công bố, để các bên liên quan (đặc biệt là các cổ đông nước ngoài) có thể dễ dàng sử dụng, so sánh, đánh giá, theo đó, về lâu dài sẽ làm tăng khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế, giảm chi phí sử dụng vốn.
Công bố các mục tiêu của công ty
Các quy định pháp luật ở các quốc gia khác thường yêu cầu các mục tiêu của công ty (như việc phát hành chứng khoán, kế hoạch mua lại, sáp nhập, thay thế và bán tài sản, hoặc nghiên cứu và phát triển) phải được công bố trong bản cáo bạch. Ngoài ra, các báo cáo quý (bán niên) của doanh nghiệp phải cung cấp thông tin hướng tới tương lai liên quan đến các nguồn doanh thu, kế hoạch cho quy trình sản xuất mới, mở rộng hay thu hẹp sản xuất, phát triển sản phẩm mới, thay thế các sản phẩm cũ, nâng cấp hoặc sửa chữa tài sản cố định và chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp. Các báo cáo thường niên phải phác họa được vị trí của doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực ưu tiên hoạt động và xu hướng phát triển. Doanh nghiệp cũng có thể tự nguyện công bố chính sách quản trị công ty, đạo đức kinh doanh, các vấn đề môi trường… để giúp người sử dụng báo cáo tài chính có thể đánh giá hợp lý triển vọng của doanh nghiệp, mối quan hệ với các bên liên quan và cách mà doanh nghiệp đang tiến hành để đạt được mục tiêu của mình. Hiện nay thông lệ quốc tế khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện công bố các thông tin này theo cách dễ dàng tiếp cận cho công chúng, thông qua trang thông tin điện tử của công ty.
Khắc phục các vấn đề ứng xử dẫn tới bất cân xứng về việc tiếp cận nguồn tin
Doanh nghiệp đại chúng cần có những chính sách phù hợp nhằm đảm bảo các thông tin do doanh nghiệp cung cấp có thể tác động tới khả năng ra quyết định và ảnh hưởng tới giá cổ phiếu sẽ không đem lại lợi thế giao dịch cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp về mặt thời gian hay nội dung thông tin. Đây là một hiện tượng đang xảy ra rất phổ biến kể cả ở những công ty hàng đầu hiện nay và đem lại sự bất cân xứng thông tin mà đối tượng chịu thiệt là các cổ đông thiểu số. Một ví dụ điển hình đó là việc tổ chức các buổi gặp gỡ dành riêng cho các nhà phân tích đến từ các công ty chứng khoán. Các cuộc gặp nhà phân tích là một thông lệ quen thuộc ở thị trường phát triển nhưng cách thức tổ chức của nhiều công ty tại Việt Nam đang tạo ra những lỗ hổng và vô tình trao lợi thế về thông tin cho các đối tượng này, thậm chí họ nắm được thông tin trước và sâu hơn những gì cổ đông hiện hữu có thể tiếp cận, ảnh hưởng tới việc ra quyết định. Đó là những thông tin chi tiết, dự báo và định hướng kinh doanh cùng nhiều thông tin trọng yếu khác. Tham khảo thị trường quốc tế, có thể thấy các công ty niêm yết công bố lịch trình họp mặt trực tuyến (Conference call) với các nhà đầu tư, nhà phân tích công khai không hạn chế đối tượng tham dự, đồng thời cung cấp tài liệu thuyết trình, bản ghi âm và bản tóm tắt nội dung các thông tin được đề cập trong buổi họp mặt công khai trên website. Đây là điều các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi để giúp thông tin được tiếp cận một cách công bằng giữa các nhà đầu tư.
Trên đây là một số gợi ý giúp doanh nghiệp cải thiện hoạt động công bố thông tin. Những gợi ý này sẽ chỉ phát huy được hiệu quả nếu doanh nghiệp tự nhận thấy trách nhiệm và lợi ích của việc minh bạch đối với mục tiêu phát triển hiệu quả, bền vững và thực thi các nỗ lực hướng tới mục tiêu đó. Chỉ có như vậy, việc minh bạch thông tin mới đem lại hiệu quả thực chất thay vì chỉ dừng lại ở đảm bảo hình thức hay số lượng.
Vietnam Report