ĐHCĐ VIB: Dự kiến niêm yết trên HoSE vào tháng 11, trả cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% và lợi nhuận năm nay ít nhất 4.500 tỷ

30/06/2020

Chuyên mục:

Chủ tịch VIB cho biết ngân hàng đang dẫn đầu trong nhiều mảng kinh doanh cốt lõi như thị phần cho vay mua ô tô, doanh số Bancassurance, xu hướng thị trường thẻ tín dụng, ROE thuộc nhóm cao nhất toàn ngành...

Sáng ngày 30/6, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.

Phát biểu khai mạc đại hội, ông Đặng Khắc Vỹ, chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VIB cho biết, năm 2019 khép lại với nhiều mục tiêu chiến lược quan trọng đã đạt được của VIB, cùng với các chỉ tiêu tài chính tích cực trong bối cảnh nền kinh tế không nhiều thuận lợi. Trong năm vừa qua, VIB đã tiếp tục hành trình chuyển đổi để phát triển kinh doanh mạnh mẽ, tiếp tục dẫn đầu thị trường trong các mảng kinh doanh trọng yếu, đồng thời đẩy mạnh xây dựng hệ thống và phát triển công nghệ, đảm bảo nền tảng phát triển bền vững của ngân hàng trong những năm tiếp theo.

Bước sang năm 2020, trước những khó khăn, thách thức của môi trường kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, VIB xác định chiến lược hoạt động kinh doanh phù hợp, thích ứng với thị trường biến động cùng thói quen tiêu dùng thay đổi,  đồng thời đảm bảo phát triển an toàn, hiệu quả, lớn về quy mô và dẫn đầu về chất lượng.

Năm 2019 ghi nhận ROE thuộc nhóm cao nhất thị trường, dẫn đầu về chất lượng và tốc độ tăng trưởng ở các mảng kinh doanh cốt lõi

Báo cáo tại đại hội, ông Đặng Khắc Vỹ cho biết, năm 2019 các chỉ tiêu tài chính của ngân hàng đều tăng trưởng mạnh và hầu hết đạt, vượt kế hoạch. Trong đó lợi nhuận trước thuế ở mức 4.082 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2018 và vượt 20% kế hoạch; tổng tài sản tăng 33% đạt trên 184 nghìn tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch, huy động vốn (gồm cả huy động vốn khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) tăng 47% và vượt 10% kế hoạch. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn bình quân (ROEA) đạt 27,1% - thuộc nhóm cao nhất toàn ngành. Tỷ lệ nợ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,68% trên tổng dư nợ, giảm 23% so với năm trước đồng thời ngân hàng cũng không còn nợ xấu tại VAMC. 

Ngân hàng tiếp tục dẫn đầu trong các mảng kinh doanh cốt lõi. Trong đó đối với cho vay, VIB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng bán lẻ cao và chất lượng hàng đầu thị trường. Kết thúc năm 2019 dư nợ cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ tăng trưởng 46% và chiếm 82% tổng dư nợ toàn ngân hàng. VIB đứng số 1 về thị phần cho vay mua ô tô tại Việt Nam kể  từ năm 2017; số 1 về tăng trưởng cho vay bán lẻ với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 60% kể từ 2017 - 2019; đứng số 1 thị trường về doanh số Bancassurance và số 1 về năng suất bán hàng trên một chi nhánh. 

Đặc biệt ở mảng thẻ tín dụng, VIB được nhận định là ngân hàng dẫn đầu xu hướng phát triển thẻ tín dụng tại Việt Nam. Năm 2019 đây là ngân hàng đầu tiên mang về thị trường Việt Nam giải pháp công nghệ thẻ Smart Card cho phép phát hành thẻ ảo, rút ngắn thời gian phê duyệt và đưa vào sử dụng thẻ. VIB cũng là ngân hàng giới thiệu nhiều dòng thẻ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, là ngân hàng đầu tiên sử dụng BigData và Al trong việc mở và quản lý thẻ...

Về ngân hàng số, VIB ghi nhận tốc độ tăng trưởng về khách hàng giao dịch qua kênh ngân hàng số với mức tăng trưởng gấp đôi mỗi năm.

Quản trị rủi ro hiệu quả, tối ưu hoá quyền lợi cổ đông

Chủ tịch VIB cho biết, ngân hàng luôn coi trọng quản trị rủi ro. Từ cuối năm 2018 ngân hàng đã là 1 trong 2 ngân hàng đầu tiên áp dụng Basel II, và là ngân hàng đầu tiên hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II. Hệ số an toàn vốn CAR theo Basel II đạt 9,7% - cao hơn nhiều mức 8% quy định. Song song đó ngân hàng cũng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ xấu thấp. Năm 2019, VIB được Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm cơ sở lên B1, chỉ số đánh giá rủi ro đối tác lên mức Ba3 và xếp hạng tiền gửi dài hạn nội tệ, ngoại tệ ở mức B1 - thuộc nhóm có xếp hạng cao nhất tại Việt Nam.

Về lợi ích của cổ đông, VIB duy trì việc trả cổ tức đều đặn. Năm vừa qua ngân hàng trả cổ tức tỷ lệ 26,85% bao gồm cả cổ tức tiền mặt, cổ phiếu thưởng và cổ phiếu quỹ.

ĐHCĐ VIB: Dự kiến niêm yết trên HoSE vào tháng 11, trả cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% và lợi nhuận năm nay ít nhất 4.500 tỷ - Ảnh 1.

Chủ tịch VIB báo cáo tại đại hội. Ảnh: VIB

Kế hoạch 2020 lãi tối thiểu 4.500 tỷ đồng, niêm yết cổ phiếu trên HoSE và trả cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%

Tại đại hội, HĐQT VIB trình cổ đông kế hoạch 2020 với tổng tài sản dự kiến đạt hơn 220 nghìn tỷ, tăng 20% so với 2019, tín dụng dự kiến tăng 24% (phụ thuộc phê duyệt của NHNN). Huy động vốn, bao gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá, tăng 19%. Với tác động của Covid - 19 tới hoạt động kinh doanh cùng các chương trình dài hạn hỗ trợ khách hàng, ngân hàng dự kiến lợi nhuận đạt tối thiểu 4.500 tỷ đồng tức tăng trưởng hơn 10%. Tỷ suất sinh lời trên vốn (ROE) dự kiến đạt 26%.

VIB cũng dự kiến thực hiện niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HoSE) trong năm nay. Đây là một thông tin rất tích cực cho nhà đầu tư khi cổ phiếu VIB nhiều năm qua được đánh giá trong nhóm cổ phiếu ngân hàng được săn đón nhưng nhiều tổ chức và các quỹ lớn chưa đưa được vào danh mục đầu tư do vẫn còn niêm yết trên sàn UpCOM. 

Đồng thời, ngân hàng trình phương án tăng vốn điều lệ bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%, từ 9.245 tỷ đồng lên 11.094 tỷ. Nguồn để tăng vốn lấy từ quỹ đầu tư phát triển; quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa chia, tổng cộng 1.849 tỷ đồng. Với nguồn vốn tăng thêm, VIB dự kiến sẽ dành phần lớn (1.349 tỷ đồng) để tăng cường cấp tín dụng; 300 tỷ cho đầu tư tài sản thanh khoản; 100 tỷ đồng để nâng cấp mạng lưới chi nhánh và 100 tỷ đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, sản phẩm và năng lực quản trị rủi ro.

ĐHCĐ VIB: Dự kiến niêm yết trên HoSE vào tháng 11, trả cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% và lợi nhuận năm nay ít nhất 4.500 tỷ - Ảnh 2.

Ông Hoàng Linh, Giám đốc tài chính VIB đọc tờ trình thông qua kế hoạch tăng vốn. Ảnh: VIB

Miễn nhiệm 2 thành viên Hội đồng quản trị

Tại đại hội, HĐQT VIB trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT đã có đơn xin từ nhiệm từ tháng 7/2019. 

Cụ thể đó là ông Michael John Murphy và ông Timothy lan Oldham. Hai ông này xin từ nhiệm ngày 16/7 và cùng ngày HĐQT đã ban hành nghị quyết chấp thuận đơn từ nhiệm. Từ 16/7/2019, hai ông Michael John Murphy và Timothy lan Oldham đã dừng toàn bộ hoạt động, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với tư cách thành viên HĐQT của ngân hàng.

Như vậy cơ cấu HĐQT VIB nhiệm kỳ hiện tại (2019 - 2023) còn lại 5 thành viên, trong đó có 4 thành viên thông thường và 1 thành viên độc lập.

Cổ đông thảo luận

Cổ đông đặt câu hỏi về việc VIB chịu tác động như thế nào bởi dịch bệnh Covid và đã có các biện pháp gì để đảm bảo duy trì và tăng trưởng kinh doanh? Kết quả kinh doanh quý 2 ra sao khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội?

Ông Đặng Khắc Vỹ trả lời: Ngay từ ngày đầu VIB đã đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo hoạt động kinh doanh trong tình hình mới như thiết lập các quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ nhân viên ngân hàng và khách hàng. Từ quý 1 và đặc biệt là ngay sau khi có Thông tư 01 của NHNN vào ngày 13/3, ngân hàng đã chủ động hỗ trợ giảm lãi suất từ 0,5% đến 2% cho các khách hàng có nợ trung dài hạn có nguy cơ ảnh hưởng bởi dịch Covid. VIB là ngân hàng đầu tiên áp dụng giảm lãi cho khách hàng hiện hữu chứ không chỉ có khách hàng mới. 

Cũng may mắn là VIB đã đi trước 1 bước, có lợi thế về giảm chi phí trong những thời gian trước đó do dầu tư tốt về công nghệ, hệ thống; có thương hiệu tốt, hoàn thành 3 trụ cột của Basel II đầu tiên về thị trường...nên giá vốn tương đối tốt, ngân hàng cũng có trích lập dự phòng tốt (tập trung ngân hàng bán lẻ là chủ yếu...) nên cộng hưởng của các yếu tố thì lợi nhuận vẫn tốt. Ban đầu ngân hàng dự tính lợi nhuận cao hơn con số trình cổ đông hôm nay nhưng sau đó điều chỉnh xuống mức tăng trưởng 10% như cổ đông nhìn thấy.

Hết quý 2 năm nay, VIB đã hoàn thành 55% kế hoạch cả năm, là cơ sở tốt để đạt mục tiêu 4.500 tỷ đồng trong cả năm. Song ban lãnh đạo VIB cũng lưu ý tình hình dịch bệnh đang diễn biến xấu, dù ngân hàng đã dự tính hoàn toàn đạt kế hoạch, nhưng nếu tình hình diễn biến quá phức tạp thì sẽ phải xem xét lại.

ĐHCĐ VIB: Dự kiến niêm yết trên HoSE vào tháng 11, trả cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% và lợi nhuận năm nay ít nhất 4.500 tỷ - Ảnh 3.

Lãnh đạo VIB trả lời cổ đông. Ảnh: VIB

Cổ đông hỏi: Dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19? Ngân hàng có nợ xấu tập trung ở doanh nghiệp nào không? tăng trưởng dự chủ yếu vào đâu? Chỉ số CIR của ngân hàng vì sao vẫn cao? Esop cho CBNV nên lock để hài hoà với các cổ đông? Tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu có vẻ thấp, vì sao?

Ông Đặng Khắc Vỹ: Theo thông tư 01 có giảm lãi và cơ cấu nợ, thì VIB đã giảm lãi trước khi có thông tư này. Số lượng đối tượng (dư nợ) được giảm lãi là hơn 8.500 tỷ; đối tượng xin giãn nợ chỉ 2.600 tỷ (số xin giãn nợ) trong đó số đơn được thực hiện là 98,8% được giãn nợ, chỉ có 1,2% không được giãn nợ bởi không tuân thủ quy định của Thông tư 01.

Về nợ xấu, trong 3 năm nay không có nợ xấu lớn. Ngân hàng có khẩu vị rủi ro linh hoạt, điều chỉnh 3 tháng 1 lần nên không có doanh nghiệp có dư nợ lớn. Với cá nhân, gần như các khoản cho vay của VIB có tài sản bảo đảm, tỷ lệ tới 97%, chỉ có 3% cho vay không bảo đảm nhưng số này chủ yếu là cán bộ nhân viên ở các công ty kinh doanh tốt, có trả lương...

Ngoài ra VIB không có các công ty con cho nên hoạt động tập trung cốt lõi, không đầu tư dàn trải, mọi khối của ngân hàng (bán lẻ, bán buôn, bảo hiểm...) cũng đều có khẩu vị rủi ro tốt. Như vậy tăng trưởng của ngân hàng tập trung vào bán lẻ và các mảng lõi của ngân hàng. Tính đến hết quý 2 năm nay, tăng trưởng tín dụng đã đạt hơn 6%. Ngân hàng kỳ vọng năm nay sẽ được NHNN nhìn nhận và cho tăng trưởng tín dụng như mục tiêu VIB đề ra.

Chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) năm ngoái là 42%. Một ngân hàng bán lẻ truyền thống thế giới chỉ số này là 40% - là một chỉ tiêu tốt. Việc phát triển của ngân hàng cần phải đầu tư vào con người, cơ sở vật chất, tự động hoá, công nghệ...Trong vài năm tới ngân hàng sẽ duy trì CIR ở mức 40 - 45% để đảm bảo hài hoà, lâu dài, nhất là đầu tư vào cấp cơ sở nhân viên chứ không phấn đấu cố gắng cắt giảm trong ngắn hạn. 

Về ESOP, việc chia cổ phiếu sẽ thực hiện sau khi niêm yết trên HoSE, có thể thực hiện ESOP năm 2021. Ngân hàng sẽ xem xét việc hạn chế chuyển nhượng. 

Ông Hoàng Linh: Việc dự phòng rủi ro chỉ có đúng và không chứ không có cao hay thấp, ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng theo đúng quy định, đúng công thức. Dự phòng trên báo cáo tài chính của VIB đang phản ánh đúng tình hình.

Cổ đông hỏi: Sự cạnh tranh trong mảng cho vay mua ô tô của VIB với các ngân hàng khác, ví dụ TPBank? Covid-19 như thế này mà ngân hàng cứ tập trung vào các sản phẩm xa xỉ như thẻ và ô tô thì có phù hợp?

Ông Đặng Khắc Vỹ: Càng tham gia trò chơi cạnh tranh càng làm cho thị trường sôi động hơn, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên trong cuộc cạnh tranh đó cũng làm cho hệ thống chất xám phát triển lên rất nhiều. Bất cứ ai tham gia lâu năm cũng sẽ có những tích luỹ riêng cho mình. VIB tự tin đi trước thị trường về cho vay mua ô tô, chúng tôi tự hào cứ 100 xe chạy trên thị trường có 14 xe thực hiện vay qua VIB, đây là sự ủng hộ, niềm tin của người tiêu dùng với VIB, là danh tiếng của VIB nhưng ngân hàng không thấy thoả mãn về điều này mà vẫn luôn cố gắng để giữ vững vị trí số 1.

Thẻ, Ô tô, nhà cửa không phải là đồ xa xỉ, đó là đồ thiết yếu, là phổ thông. Nói đến luxury thì phải là hàng hiệu và ô tô cao cấp đắt tiền. Trong bối cảnh dịch bệnh, thẻ và ô tô lại càng trở nên cần thiết vì nhu cầu cao bởi người ta hạn chế đi các phương tiện công cộng và VIB đang phục vụ sâu vào các mặt hàng cơ bản cho phần đông khách hàng.

Cổ đông hỏi:Dự kiến khi nào niêm yết cổ phiếu trên HoSE?

Ông Đặng Khắc Vỹ: Sau khi các cơ quan quản lý thông qua thì dự kiến tháng 11 niêm yết trên HoSE. Hiện VIB giao dịch trên UpCOM nhưng khối lượng giao dịch cao hơn nhiều ngân hàng niêm yết, cho thấy thanh khoản rất tốt. Nếu lên sàn chính thức thì kỳ vọng sẽ tăng lên rất nhiều.

VIB