Mới đây, khi thông tin gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dừng giải ngân, một số dự án nhà bình dân trên cùng địa bàn dùng “tiểu xảo” để “chạy đua” bán hàng trước thời điểm gói tín dụng này hết hạn, nhưng ông Hậu vẫn cứ đủng đỉnh.
Dù lặng lẽ, kín tiếng hay ồn ào, nhiệt huyết, họ đều là những doanh nhân được nể trọng trong lĩnh vực đầu tư bất động sản. Một người định vị phát triển theo hướng nhà bình dân, người khác lại “ăn chắc, mặc bền” với những dự án trong trung tâm thành phố.
Chủ tịch GP-Invest: Thành công không phụ thuộc vào “cách nói”
Phong cách rất khác nhau, nhưng những bước đi của doanh nhân lão luyện này đã tạo lập nên giá trị vững chắc ở phân khúc mà họ đã và đang theo đuổi…
Hiểu thời thế để lượng sức mình
Tại thị trường bất động sản Hà Nội, cái tên Nguyễn Quốc Hiệp đã rất đỗi quen thuộc với giới truyền thông. Quen thuộc là vì ông là diễn giả nổi tiếng, từng tham gia nhiều diễn đàn với vai trò vừa là Chủ tịch Hội nhà thầu xây dựng, vừa là chủ một doanh nghiệp đang phát triển nhiều dự án lớn. Đặc biệt, tại những diễn đàn này, ông luôn là người nhiều, nói không ngại va chạm.
Chẳng thế mà tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà mới đây, thay vì những lời “có cánh” với tân Bộ trưởng, ông Hiệp “kêu trời” với sự chồng chéo trong chính sách thanh-kiểm tra của ngành xây dựng, khi có thời điểm, doanh nghiệp của ông phải tiếp đến 3 đoàn thanh tra cùng lúc, đồng thời kiến nghị Bộ trưởng có những chính sách tháo gỡ sự chồng chéo này.
Việc ông Hiệp nói nhiều trong các hội nghị, hội thảo thì nhiều người biết, song hầu như chẳng ai chê, bởi những điều ông nói đều đúng và “sát sườn” với quyền lợi của doanh nghiệp.
Trong giới doanh nhân bất động sản, ông Hiệp có lẽ là người duy nhất lập nghiệp ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Gọi như vậy là vì cho đến khi nghỉ hưu, vui thú điền viên bên con cháu rồi, ông mới gom tiền để mua một doanh nghiệp nhỏ trong nước đang gặp khó khăn (nghe nói số vốn chỉ vài tỷ đồng), nhưng lại có cái tên rất “quốc tế” là CTCP Đầu tư dầu khí toàn cầu để thỏa chí kinh doanh lúc về già.
Thế nhưng, thật bất ngờ, chỉ sau vài năm, ông đã gây dựng lên cả một “định chế” bất động sản, triển khai và hoàn thiện 3 dự án lớn trong nội đô, với số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng là các dự án La Thành, Nam Đô Complex và Tràng An Complex, đồng thời đang là chủ của nhiều khu đất lớn khác tại Hà Nội.
Để phát triển một doanh nghiệp “tí hon” nhanh chóng trở thành một doanh nghiệp lớn, với ông Hiệp là cả một câu chuyện dài, mà chỉ những người hiểu về con người ông mới lý giải được, vì sao cái doanh nghiệp “bé tí” đó lại phát triển và lớn nhanh đến như vậy.
Sự thực, trước khi lập nghiệp kinh doanh bất động sản ở cái tuổi “cổ lai hy”, ông Hiệp từng giữ vị trí lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng như Vinaconex, Constrexim… Việc các doanh nghiệp này từng phát triển đến giai đoạn đỉnh cao, có đóng góp không nhỏ của ông.
Năm 2013, khi thị trường bất động sản rơi vào khó khăn, hàng loạt dự án không thể triển khai, thì dự án Nam Đô Complex do doanh nghiệp của ông làm chủ đầu tư vẫn bán được hàng và hoàn thiện đúng tiến độ. Hồi đó, giới đầu tư từng gọi ông là “sói già” khi nhận ra ông là người hiếm hoi lội ngược dòng thành công trên thị trường bất động sản.
Có một câu nói của vị doanh nhân này mà nhiều người nếu hiểu được, sẽ không còn thắc mắc vì sao khi bong bóng địa ốc vỡ, doanh nghiệp bất động sản trong nước lại phá sản nhiều đến vậy. Ông nói: “Điều tôi muốn nhấn mạnh đối với sự trưởng thành của một doanh nghiệp là phải luôn biết lượng sức mình, gánh vừa sức. Nếu sức anh gánh được 50 kg, thì chỉ nên gánh 40 kg thôi”.
Và cái triết lý hiểu thời thế để lượng sức mình, trong khi nhiều doanh nghiệp địa ốc chạy đua huy động vốn cho dự án này để lấy tiền triển khai dự án khác, thì với ông, dù nắm trong tay vài quỹ đất tốt, ông cứ “tưng tửng” thực hiện cho xong xuôi một dự án, rồi mới tính triển khai dự án khác. Tiến độ các dự án ông làm vì thế luôn đảm bảo, bởi tiền huy động từ khách hàng đều được sử dụng đúng mục đích là đầu tư vào triển khai dự án.
Thành công từ triết lý bán hàng cho người ở thật
Trái với phong cách của ông Hiệp, doanh nhân Vũ Văn Hậu lèo lái “con tàu” bất động sản ở Tập đoàn Geleximco, nhưng rất kín tiếng, đến mức, ai cũng tưởng vị “thuyền trưởng” duy nhất lái “con tàu” bất động sản này là ông… Vũ Văn Tiền. Thực chất, bên cạnh ông Tiền, là doanh nhân Vũ Văn Hậu, đảm trách vị trí Phó tổng giám đốc Geleximco.
Trước năm 2011, Geleximco được biết đến bởi đứng sau 2 dự án lớn là Dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, rộng trên 130 héc-ta tại quận Hà Đông và Dự án Thành phố giao lưu, quận Bắc Từ Liêm. Ngoài 2 dự án này, Geleximco còn có tham vọng lớn hơn trong đầu tư bất động sản khi nhận làm chủ đầu tư dự án Đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình theo hình thức BT để đổi lại, sẽ được nhận đối ứng hàng nghìn héc-ta đất dự án tại huyện Thạch Thất và tỉnh Hòa Bình.
Thế nhưng, khi thị trường địa ốc gặp khó khăn, Geleximco đã xin trả lại dự án BT trên, đồng thời giãn tiến độ các dự án đầu tư bất động sản tại Hà Nội. Một trong những người viết ra các kịch bản này, là ông Vũ Văn Hậu.
Năm 2013-2014, thị trường bất động sản có xu hướng hồi phục, Geleximco đồng loạt triển khai các tòa chung cư như tổ hợp Green Star với khoảng 2.000 căn hộ tầm trung, hay tổ hợp Gemek Tower và Gemek Premium, thuộc phân khúc bình dân tại Khu đô thị Lê Trọng Tấn. Trong đó, nhờ được tung ra đúng thời điểm, nên Green Star trở thành một trong số ít dự án gây sốt trên thị trường.
Tại dự án tổ hợp Gemek Tower và Gemek Premium, nơi ông Vũ Văn Hậu trực tiếp điều hành, có thời điểm việc bán hàng cực kỳ khó khăn, song về tiến độ triển khai dự án, ông Hậu vẫn cam kết đảm bảo.
Mới đây, khi thông tin gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dừng giải ngân, một số dự án nhà bình dân trên cùng địa bàn dùng “tiểu xảo” để “chạy đua” bán hàng trước thời điểm gói tín dụng này hết hạn, nhưng ông Hậu vẫn cứ đủng đỉnh.
“Mình làm nhà cho người thu nhập trung bình, đối tượng khách hàng này nhiều lắm. Họ mua nhà để ở thật, nên không lo đầu ra”, ông Hậu nói.
Tưởng ông đủng đỉnh như vậy, nhưng ngay khi gói 30.000 tỷ đồng dừng giải ngân, ông đã đưa ra gói hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% cho đến khi khách hàng nhận bàn giao nhà. Có gói hỗ trợ này, khách mua nhà lại “ầm ầm” tìm đến, khiến các đối thủ cũng phải “cắn răng” mà hỗ trợ khách hàng vay vốn lãi suất 0 đồng.
Thực tế cho thấy, người có nhu cầu ở thực sự thì luôn muốn mua nhà. Điều quan trọng là chủ đầu tư tạo ra được cơ chế tốt. Về khoản này, ông Hậu dường như đã “đi guốc trong bụng” những khách hàng của mình.
Là một người quyết đoán trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, nhưng trên thương trường, ông Hậu lại khá kín tiếng. Ông không có nhiều phát ngôn chính thức liên quan đến các dự án hay thị trường bất động sản. Lần gần đây nhất và dường như cũng là lần duy nhất ông xuất hiện trên một tờ báo nói về việc doanh nghiệp nợ thuế. Ông Hậu cho biết, là vì “nể” người quen lắm mới đồng ý trả lời.
Được biết, hiện Geleximco vẫn còn một quỹ đất khá lớn được quy hoạch nhà tổ hợp tại dự án Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn vẫn chưa triển khai.
Theo GP Invest