Xây dựng thương hiệu quốc gia: Tạo dựng uy tín cho hàng Việt

18/04/2019

Chuyên mục:

Không phủ nhận Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) đã giúp DN nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế, tuy nhiên DN, cơ quan quản lý chưa quyết liệt trong việc xây dựng và quản trị thương hiệu.

Do đó, thời gian tới, Chương trình THQG Việt Nam cần đổi mới cách làm theo hướng gắn kết THQG với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch.
 
Thương hiệu “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD
Chia sẻ tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam với chủ đề “Chiến lược THQG Việt Nam” diễn ra ngày 17/4, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, sau 15 năm triển khai chương trình, DN Việt Nam đã ý thức việc thương hiệu là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của DN.
 
Các DN đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước. Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện 2 bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Chương trình THQG và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
 
Đánh giá về hiệu quả của chương trình THQG, tại diễn đàn nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 15 năm qua, nhiều DN đã dựng được thương hiệu sản phẩm, vững chân trên thị trường nội địa và nước ngoài. Đáng chú ý, sức lan toả thương hiệu trong cộng đồng DN đã rõ nét hơn rất nhiều so với nhiều năm trước đây. Theo đại diện Bộ Công Thương, số lượng DN được công nhận có sản phẩm đạt THQG tăng đều qua các thời kỳ (cụ thể, năm 2008 có 30 DN; 2010: 43 DN; 2012: 54 DN; 2014: 63 DN; 2016: 88 DN và 2018: 97 DN).
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ DN mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng THQG để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Vì vậy, việc Việt Nam triển khai xây dựng chiến lược THQG phù hợp với xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết.
 
Đổi mới cách làm
Mặc dù thương hiệu Việt Nam đã giúp DN nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế nhưng 15 năm qua, rất ít sản phẩm mang thương hiệu Việt, một số thương hiệu định giá còn khiêm tốn.
 
Nguyên nhân của vấn đề này, theo Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hữu Nghĩa, là do DN đang thiếu quyết liệt trong việc xây dựng và quản trị thương hiệu, thậm chí một bộ phận DN vẫn chưa thực sự coi thương hiệu là công cụ để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. “Công tác quảng bá xúc tiến hình ảnh chưa được DN thực hiện đồng bộ, có hệ thống” - ông Nghĩa dẫn chứng.
 
Để khắc phục những điểm yếu của chương trình THQG, nhiều chuyên gia đồng tình quan điểm, cùng với việc tận dụng mạng lưới các tham tán, phòng thương mại tại nước ngoài, DN Việt cần huy động nguồn lực từ cộng đồng người Việt trên thế giới.
Đặc biệt, khi xây dựng thương hiệu DN phải chú trọng đến việc bảo vệ thương hiệu của hàng hóa trong quá trình xây dựng THQG. “Chúng ta không giới thiệu riêng lẻ thương hiệu của một cá nhân nào mà nên giới thiệu các thương hiệu tập thể nhằm tiếp cận một cách rộng rãi hơn trên thế giới” - Trưởng ban Kinh tế và Thương mại - Đại sứ quán Italy Antonino Tedesco cho hay.
 
Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chương trình THQG Việt Nam trong giai đoạn mới nhằm tạo ra sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của DN với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng THQG Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng.
 
Bên cạnh đó, Chương trình sẽ triển khai công nhận các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đặc sản vùng miền có thể xem xét công nhận là THQG, qua đó đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông cho các thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế.
Thu Hương
Theo Kinh tế đô thị
 
 

Vietnam Report