Kinh tế 2018: Lạc quan về lượng, chưa hết lo về chất

12/10/2018

Chuyên mục:

Gần như chắc chắn, năm nay, Việt Nam sẽ đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, đằng sau những con số rất đẹp đó liệu có ẩn chứa những nỗi lo của nền kinh tế?

Những con số đẹp

Ngày 10/10, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) đã công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2018, đồng thời đưa ra dự báo rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 6,7% trong năm 2018 gần như “chắc chắn sẽ thực hiện được”. Thậm chí, theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP, nhiều khả năng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay. “Tăng trưởng GDP quý III/2018 đạt 6,88%, cao hơn mức tăng trưởng 6,73% của quý II/2018, xua tan các nhận định về tính giảm dần của tăng trưởng GDP các quý trong năm 2018”, ông Thành nói.

Trên thực tế, nhận định trên của ông Thành không mới, bởi ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố mức tăng trưởng GDP 9 tháng là 6,98%, gần như tất cả các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay chắc chắn đạt và vượt mục tiêu đề ra. 

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, chỉ cần tăng trưởng GDP quý IV/2018 ở mức 6,1% là đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm, mà với xu thế tích cực hiện nay, không khó để vượt qua con số 6,1%. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,8%. Thậm chí, một số chuyên gia kinh tế còn cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức 7%.

Không chỉ là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, khi chia sẻ tại phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, đã cho biết: “Nhiều người chúc mừng tôi về bộ chỉ số kinh tế - xã hội đạt được năm nay rất đẹp”.

Đẹp là dễ hiểu, bởi theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có một năm hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt. Chẳng hạn, ngoài tăng trưởng GDP, nền kinh tế còn đạt “thắng lợi kép” khi lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Trong khi đó, xuất nhập khẩu dự kiến lập kỷ lục mới, với tổng kim ngạch ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,2% và xuất siêu khoảng 1 tỷ USD… 

“Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ, ước tăng 3,3%. Lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo tăng trưởng vượt bậc, liên tục ở mức 2 con số, ước tăng 12,46%”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nói.

Nhận định về những con số trên, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, đó là một kết quả khả quan. Các thành viên khác của Ủy ban Kinh tế cũng đồng tình với nhận định này. Tuy nhiên, ông Thanh vẫn không khỏi băn khoăn, liệu những kết quả này có tạo ra chuyển biến thực chất cho nền kinh tế hay chưa? 

Nhưng vẫn còn những nỗi lo

Xu hướng lạc quan về nền kinh tế là điều nhìn thấy rõ. Nhưng băn khoăn thì cũng vẫn còn đó. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tăng trưởng nhanh là tốt, nhưng quan trọng là phải tăng cả về chất lượng, phải quan tâm các vấn đề liên quan đến tính cạnh tranh của nền kinh tế so với các nền kinh tế khác, hay các vấn đề về an sinh xã hội, y tế, giáo dục…

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên lại có mối lo khác, liên quan đến sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo ông Kiên, liên tiếp 3 năm qua, nông nghiệp có mức tăng trưởng cao, giữ vị trí là bệ giảm sốc và hỗ trợ phát triển kinh tế, nhưng năm nào cũng diễn ra chuyện giải cứu nông sản. “Như vậy, chúng ta vẫn phó mặc cho bà con muốn trồng gì thì trồng, không hỗ trợ và thúc đẩy liên kết sản xuất chuỗi”, ông Kiên nói.

Chưa kể, theo ông Kiên, mặc dù số vượt thu ngân sách năm nay khoảng 39.000 tỷ đồng, nhưng thu từ dầu thô và tiền sử dụng đất góp 29.000 tỷ đồng, thu nội địa góp 10.000 tỷ đồng. Có nghĩa rằng, thu ngân sách “không bền vững” và “đóng góp cho thành công năm 2018 có những lĩnh vực chúng ta không thực sự mong muốn”.

Bên cạnh đó, điều khiến các chuyên gia kinh tế băn khoăn là dù tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc, với 9 tháng có 96.600 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, bổ sung vào nền kinh tế 2,85 triệu tỷ đồng, nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng không ngừng tăng cao. 

Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM băn khoăn với việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Theo ông Trần Anh Tuấn, cần làm rõ vì sao chậm, nhất là ở những dự án trọng điểm. 

“Nếu năm nào đầu tư công cũng giải ngân chậm thì hiệu quả đầu tư toàn xã hội giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của giai đoạn sau”, ông Trần Anh Tuấn nói.

Đã có vị chuyên gia nói rằng, nếu năm nào giải ngân vốn đầu tư công cũng chậm thì không còn là “hạn chế” nữa, mà đã trở thành “tồn tại”. Do vậy, cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đưa dự án vào hoạt động, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển giai đoạn sau.

 

Hà Nguyễn

Báo Đầu Tư

 

Vietnam Report