Hành trình 30 năm thành bộ phận quan trọng của kinh tế Việt Nam

19/11/2018

Chuyên mục:

30 năm qua, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) đã đồng hành cùng những bước thăng trầm của kinh tế Việt Nam. Từ chỗ là nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Thành tựu vượt bậc, bước nhảy thần kỳ

Ngày 4/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm FDI tại Việt Nam.

Trình bày tại Hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhắc đến thời khắc lịch sử khi Việt Nam thực hiện Đổi mới năm 1986, và 1 năm sau đã có Luật Đầu tư nước ngoài 1987. Đây là một trong những đạo luật đầu tiên trong thời kì đổi mới của Việt Nam.

30 năm qua, khu vực FDI đã đồng hành cùng những bước thăng trầm của kinh tế Việt Nam. Từ chỗ là nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

“Đó là nhờ đóng góp không nhỏ của khu vực đầu tư nước ngoài”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. “Đến nay khu vực FDI đã thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam”.

Một loạt con số đã chứng minh cho điều vị Bộ trưởng trên đề cập.

Tính đến tháng 8/2018, cả nước có 26,5 nghìn dự án FDI với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD, trong đó số vốn đã thực hiện là 184 tỷ.

Nộp ngân sách nhà nước của khu vực FDI đã tăng từ 1,8 tỷ USD vào giai đoạn 1994-2000 lên 23,7 tỷ USD giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2017 khu vực này đã nộp ngân sách trên 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước.

“10 địa phương có nguồn thu ngân sách nhà nước lớn, 16 địa phương tự cân đối được ngân sách đều là các địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Ngoài ra, từ chỗ chỉ tạo ra 330 nghìn việc làm trực tiếp vào năm 1995, thì nay đã tăng lên 3,6 triệu việc làm, chưa 5-6 triệu việc làm gián tiếp.

Dù vậy, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra không ít hạn chế trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong đó có việc tỷ lệ giải ngân dự án đạt thấp khi mới chỉ có 184 tỷ USD trên tổng số hơn 300 tỷ USD vốn đăng ký. Các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn chưa nhiều. Đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia còn khiêm tốn.

Đáng nói, một số DN FDI chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, người dân. Một số DN có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế. Một số bên liên doanh tạo áp lực khiến đối tác Việt Nam phải nhượng lại phần vốn góp, để DN trở thành DN 100% vốn nước ngoài.

“Một số dự án chưa tính toán đầy đủ, cân nhắc yếu liên quan đến quốc phòng, an ninh”, ông Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

Thừa nhận những hạn chế đó có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khẳng định “do chủ quan là chính”.

Đại diện cho các nhà đầu tư thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ông Tomaso Andreatta, đồng chủ tịch VBF đánh giá cao Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

“Hiện nay các sản phẩm điện tử đã trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sản phẩm may mặc, giày dép đã thế chỗ dầu mỏ, lương thực”, ông Tomaso ấn tượng.

Cảnh báo tác động từ chiến tranh thương mại

Nhìn về tương lai, ông Tomaso muốn Việt Nam suy nghĩ cách thức để “giữ chân các DN FDI” cũng như thu hút thêm nguồn vốn mới.

Đánh giá rằng hầu hết các DN FDI đến Việt Nam do chi phí nhân công thấp, ưu đãi thuế, ông Tomaso cảnh báo việc chi phí lương tăng nhanh hơn năng suất lao động có thể là một trong các lý do khiến “DN sử dụng nhiều lao động sẽ chuyển địa điểm sang các quốc gia khác”.

Nói về điều các nhà đầu tư quan tâm khi hoạt đông ở Việt Nam, đại diện VBF đề cập “gánh nặng hành chính, thủ tục hải quan, thuế”, và điều quan ngại nhất là “thanh tra, quyết toán thuế thu nhập DN thường thực hiện theo hướng tối đa hóa nguồn thu, ít quan tâm hoàn thuế thế nào”.

“Mức độ thiếu nhất quán trong các quy định tạo kẽ hở cho tham nhũng”, ông Tomaso băn khoăn.

Ông Tomaso cũng lưu ý cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam. Bởi người tiêu dùng khắp nơi không muốn mua sản phẩm từ các quốc gia có vấn đề về môi trường.

Tới Việt Nam từ năm 1993, ông Nicolas Audier, đồng chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tự nhận là “người may mắn” khi chứng kiến sự chuyển mình của Việt Nam từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, mở cửa. Phần thưởng là Việt Nam đã phát triển thành quốc gia thu nhập trung bình mà ông Nicola mô tả là “giai đoạn phát triển vượt bậc”.

Dù khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn, nhưng ông Nicolas cũng cảnh báo những yếu tố bất định như chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, chủ nghĩa bảo hộ sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ông Nicolas cảnh báo khi hàng Trung Quốc không xuất sang được Mỹ thì một phần trong số đó có thể xuất sang Việt Nam. Ông Nicolas khẳng định chính sách bảo hộ không tốt cho Việt Nam. Thực tế chủ nghia bảo hộ làm gia tăng chi phí thương mại, gây tổn hại việc làm, tăng tưởng kinh tế. Còn thị trường mở cửa sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư xuyên biên giới

DN cũng được hưởng lợi từ chi phí thấp nên ông Nicolas khuyến nghị Việt Nam nên duy trì chính sách mở cửa như hiện tại nhằm phát triển thương mại tự do.

Nhắc đến hiệp định thương mại của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), ông Nicolas cho rằng Việt Nam sẽ là 1 trong số quốc gia được tiếp cận thị trường 500 triệu người và không có rào cản thuế quan. Việt Nam cũng sẽ trở thành điểm đến của các DN nói chung, và DN châu Âu nói riêng.

Ông Nguyễn Chí Dũng nhận định: Bối cảnh thế giới khu vực và trong nước đang đặt ra thách thức mới với Việt Nam trong thu hút FDI. Dòng vốn toàn cầu có xu hướng giảm, đang dịch chuyển theo hướng thuận và cả không thuận với Việt Nam. Chiến tranh thương mại có khả năng tác động ảnh hưởng đến dòng đầu tư Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn trước áp lực cạnh tranh với một số nước trong khu vực khi thu hút dòng vốn FDI.

Gửi gắm đến các nhà đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn DN đến Việt Nam với tâm thế nhà đầu tư có thiện chí, với cam kết hiệu quả, thực chất, kinh doanh lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích nhà đầu tư, nhà nước và cộng đồng.

Lương Bằng

Theo VEF- Diễn đàn kinh tế Việt Nam 

Vietnam Report