Hàng loạt mặt hàng tăng giá, “chông chênh” giữ lạm phát 2018 ở mức 4%

11/10/2018

Chuyên mục:

CPI 9 tháng đầu năm 2018 đã tăng 3,2% so với cuối năm 2017, mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính khiến CPI tăng cao là giá lương thực, thực phẩm và giá dầu.

10/11 nhóm mặt hàng tăng giá kéo lạm phát tháng 9 tăng cao
Theo Báo cáo theo dõi Lạm phát Việt Nam của công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tác giả Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% sới tháng 8 vì có tới 10/11 nhóm mặt hàng chính trong cấu thành CPI tháng 9 tăng giá, nổi bật nhất là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống với 3 nhóm phụ là Lương thực, Thực phẩm và Ăn uống ngoài gia đình cùng tăng. 
 
CPI Lương thực tăng trở lại mà nguyên nhân chính là do giá gạo. Giá gạo sau nửa đầu năm tăng mạnh đã giảm giá nhanh khi xuất khẩu chậm lại. Từ mức đỉnh 6.700 đồng/kg vào tháng 5, giá lúa khô tại đồng bằng sông cửu long đã giảm xuống 5.650 đồng/kg vào cuối tháng 7. Bắt đầu từ tháng 8, giá lúa tăng dần và hiện tại đã lên 6.000 đồng/kg khiến CPI Lương thực tháng 8 và 9 tăng lần lượt 0,1% và 0,28%.
CPI Thực phẩm tăng 0,51%, mức thấp nhất 5 tháng do giá một số thực phẩm đã lên mặt bằng cao và khó có thể tăng nhanh như trước. Giá thịt lợn tháng 9 tăng 0,65% trong khi tháng 6 tăng tới 8,12%. Ngược lại, do mưa lũ nhiều, nguồn cung rau xanh bị giảm sút đã khiến giá rau xanh tăng mạnh 1,82%. Do phụ thuộc vào Lương thực, Thực phẩm, CPI Ăn uống ngoài gia đình cũng tăng 0,35%.
CPI Giao thông tháng 9 tăng 0,82% do trong kỳ tính toán có 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Vào ngày 6/9, giá xăng E5 đã tăng 300 đồng (1,5%) và ngày 21/9 tăng tiếp 320 đồng (1,6%) lên 20.230đ/lít. Đây là mức giá xăng E5 cao nhất kể từ tháng 6/2015.
CPI nhóm Nhà ở, vật liệu xây dựng cũng tăng 0,2% do trong nhóm có mặt hàng gas. Nếu so sánh với giá dầu thế giới ở thời điểm cuối tháng 6/2015 xấp xỉ 90 USD/thùng thì việc CPI Giao thông cũng như Nhà ở vật liệu xây dựng tiếp tục tăng trong tháng 10 là điều khó tránh khỏi.
Một yếu tố tăng giá có tính chu kỳ trong tháng 9 là học phí. Vào mùa khai giảng, nhiều tỉnh thành phố đã tăng học phí theo Nghị định 86/2015. Năm nay, có 49 tỉnh thành tăng học phí làm CPI Giáo dục tăng 5,07% trong khi cùng kỳ 2017 có 41 tỉnh thành tăng học phí làm CPI Giáo dục tăng 5%. Nghị định 86 cho phép học phí được điều chỉnh theo lạm phát và vì vậy CPI Giáo dục hàng năm gần như chắc chắn sẽ tăng. 
Trong số các mặt hàng tăng giá thấp đáng chú ý là Thuốc và Dịch vụ y tế. Giá Dịch vụ y tế trong tháng 7/2018 đã được giảm giá theo Thông tư 15/2018 của Bộ Y tế và kể từ đó đến nay giá dịch vụ y tế gần như không thay đổi.
Trước đó, từ đầu năm 2016 đến đầu năm 2018, giá dịch vụ y tế đã tăng theo Thông tư liên tịch 37 khiến CPI Thuốc và dịch vụ y tế năm 2016 tăng 55,7% và năm 2017 tăng 27,8%. Trong 9 tháng năm nay, CPI nhóm mặt hàng này giảm 2,03% so với cuối năm 2017. 
Chông chênh giữ mục tiêu lạm phát 4%
Theo tác giả Nguyễn Đức Hùng Linh, tính chung 9 tháng, CPI đã tăng 3,2% so với cuối năm 2017 – cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính khiến CPI tăng cao là giá lương thực, thực phẩm và giá dầu. Sâu xa hơn, đó là những mất cân bằng trong cung cầu ngắn hạn.
 
 
ề mặt hàng gạo, tăng trưởng ngành nông nghiệp 9 tháng đạt 2,78% trong khi cùng kỳ 2017 chỉ tăng 1,96%. Dẫu vậy, lạm phát lương thực cũng tăng theo với CPI Lương thực tăng 1,42% so với cuối năm 2017.
Hiện tại xuất khẩu gạo của Việt nam đang chậm lại, kéo theo giá gạo trong nước xuống thấp so với vùng đỉnh tháng 5. Tuy nhiên nhiều khả năng giá gạo sẽ tăng trong quý 4 bởi nhu cầu đối với gạo xuất khẩu vẫn lớn khi lũ lụt sẽ làm giảm sản lượng lúa của Campuchia, mặt khác Nghị định 107/2018 của Chính phủ mới ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh gạo, từ đó gia tăng năng lực xuất khẩu và nhu cầu thu mua lúa.
Về mặt hàng thịt lợn, nhiều khả năng sẽ sớm bình ổn khi giá thịt lợn hơi hiện đang giao động trên 50.000 đồng/kg, tương đương vùng đỉnh vào tháng 5/2016, thời điểm trước khi lao dốc khiến ngành chăn nuôi lợn lao đao. Giá tốt đã kích thích người nuôi tái đàn. Tại Trung Quốc, dù dịch bệnh có làm giá thịt lợn tăng nhưng mức giá hiện tại vẫn còn thấp hơn thời kỳ đỉnh 2016 tới 20%.
Ẩn số khó đoán nhất với lạm phát là giá dầu. Xuất phát từ cuộc cấm vận của Mỹ với Iran, giá dầu thô thế giới đã tăng 32% so với đầu năm. Từ khi lệnh cấm vận giai đoạn 01 có hiệu lực (7/8/2018), sản lượng dầu của Iran đã giảm 380.000 thùng/ngày, tương đương 10% sản lượng sản xuất của Iran trước khi cấm vận. Cũng trong thời gian này, giá dầu thô thế giới tăng 12%.
 
Việc dự đoán giá dầu trong những tháng cuối năm không dễ bởi các nước sản xuất dầu mỏ lớn không đưa ra các con số đáng tin cậy về sản lượng dầu mỏ. Theo thống kê của Bloomberg, trong tháng 8 và 9, OPEC đã tăng sản lượng thêm 510.000 thùng/ngày còn Mỹ tăng sản lượng dầu đá phiến thêm 104.000 thùng/ngày.
Về công suất dự trữ, riêng OPEC (trừ Iran) đã có khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, đủ để bù đắp phần hụt đi từ Iran. Với các số liệu này, rất khó để giải thích nguyên nhân đằng sau sự tăng giá mạnh và liên tục của dầu thô trong năm nay.
Điểm tích cực trong ổn định lạm phát trong năm 2018 là chính sách tiền tệ đang được thực thi tương đối hiệu quả. Áp lực tỷ giá trong năm 2018 là khá lớn và nếu như không có các biện pháp kiểm soát tốt, đà giảm giá của VND trong 9 tháng vừa qua có thể chưa dừng lại ở 2,8%. Với tín dụng, khả năng cao là tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 sẽ thấp hơn so với mục tiêu 17%, giúp giảm bớt áp lực lạm phát cầu kéo. 
Tóm lại, trong các tác nhân có thể làm lạm phát tăng cao trong quý IV/2018, lương thực và năng lượng (xăng, dầu, gas) là 2 nhóm mặt hàng cần phải quan tâm nhiều nhất. Việc quản lý giá gạo có phần đơn giản hơn do Việt Nam có thể chủ động tích trữ và kiểm soát cung cầu.
 
Lan Anh
Theo Bizlive

Vietnam Report