Gia nhập CPTPP: Đắn đo "thách thức lớn hơn cơ hội"

05/11/2018

Chuyên mục:

Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Dù ủng hộ việc thông qua Hiệp định này, song vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm là làm sao tận dụng được cơ hội và vượt lên những thách thách không nhỏ khi tham gia CPTPP.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận định tham gia CPTPP sẽ tác động mạnh đến 1 số ngành kinh tế, dự kiến tạo ra mức tăng trưởng lớn nhất đối với các ngành: thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hoá chất... Tuy nhiên, đây lại là những ngành kinh tế khó nâng cao năng suất lao động và bảo đảm việc làm bền vững, vì thế, việc thúc đẩy trưởng tăng trưởng và mở rộng việc làm trong các lĩnh vực này cần phải được đánh giá một cách khách quan trên phương diện “thách thức lớn hơn cơ hội”.

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đắn đo "thách thức nhiều hơn cơ hội" ở một số ngành Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi khi tham gia CPTPP.

Ông cũng cho rằng Chính phủ nên quan tâm tới những thách thức về năng suất lao động, tiền lương thu nhập, khả năng đáp ứng nguồn nhân lực khi lợi thế nguồn nhân lực giảm dần trong bối cảnh già hoá dân số… để chuẩn bị các bước “đi trước đón đầu” nhằm khắc phục, hạn chế thách thức.

Đề cập một trong những vấn đề cần quan tâm nhất trong hiệp định này đối với Việt Nam là lao động, vị phó chủ nhiệm uỷ ban về các vấn đề xã hội này cho hay, qua rà soát hệ thống pháp luật lao động hiện hành của nước ta thì vấn đề liên quan đến xoá bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xoá bỏ phân biệt trong lao động về cơ bản là phù hợp vơí các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của hiệp định CPTPP.

Tuy nhiên, trên thực tế để thực thi nghiêm túc các cam kết của Hiệp định, Chính phủ cần dự liệu những khó khăn đối với việc tăng cường giảm thiểu lao động trẻ em trong bối cảnh lao động nông nghiệp, lao động trong khu vực phi chính thức vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, việc sử dụng lao động trẻ em trong nông nghiệp và hoạt động dịch vụ còn khá phổ biến. Đây là vấn đề cần xem xét và rà soát trong hệ thống pháp luật. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng cùng chung quan điểm và bày tỏ những lo ngại trong vấn đề lao động.

Giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, trong quá trình đàm phán, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các ngành lĩnh vực vì đây là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng lắng nghe các ý kiến góp ý từ các chuyên gia của Ngân hàng thế giới. Đây là nguồn thông tin quan trọng để Chính phủ đánh giá.

“Và qua đó các lợi ích cốt lõi của Việt Nam đều được bảo đảm và theo chiều hướng có lợi cho đất nước”- Phó Thủ tướng khẳng định và cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành để đánh giá từng lĩnh vực cụ thể, từ đó có giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Liên quan đến vấn đề lao động mà các đại biểu lo ngại, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, CPTPP không đưa ra các tiêu chuẩn riêng về vấn đề lao động và theo các tiêu chuẩn của tổ chức lao động quốc tế ILO, và thời gian qua Việt Nam đã thực hiện theo các quy định của ILO. Ngay bản thân vấn đề lao động, ILO cũng quy định việc tổ chức đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng phải tuân thủ theo pháp luật của nước sở tại. “Cho nên để đảm bảo vấn đề an ninh, chúng ta chỉ cần sửa Bộ Luật lao động, còn Luật Công đoàn tuy có quan hệ với vấn đề lao động nhưng sau khi sửa đổi xong Bộ Luật lao động, Chính phủ sẽ sửa Luật Công đoàn nếu thấy cần”- Phó Thủ tướng cho hay.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá nước ta là nền kinh tế có độ mở cao, có nghĩa phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, vì thế, muốn ổn định phải giữ vững cam kết với các thị trường bên ngoài để ổn định nền kinh tế trong nước, điều quan trọng là cần có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư.

“Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xảy ra dự báo có nhiều nhà đầu tư sẽ rời khỏi Trung Quốc. Nếu chúng ta thu hút đầu tư tốt, thuận lợi sẽ có nhiều nhà đầu tư vào ta đầu tư, còn nếu không tốt thì hàng hóa các nước sẽ tràn vào làm chết sản xuất trong nước, khi đó hậu quả sẽ nặng nề. Cho nên chúng ta phải đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút nhà đầu tư, tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh công khai minh bạch để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Có như vậy kinh tế mới phát triển bền vững”- ông Cường góp ý.

Còn theo đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai), cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh mới là vấn đề lâu dài. Bà Hà cho rằng bên cạnh các ưu đãi “vàng” về lao động giá rẻ thì thách thức rất lớn nằm ở nâng cao năng lực cạnh trong nước, vì thế, phải có nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng quá trình phát triển gắn với đổi mới sáng tạo vì trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình tăng trưởng cần có chất xám sáng tạo chứ không còn là lao động gía rẻ như trước đây nữa. Nếu chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI và chỉ gia công cho họ thì không khác nào “xây nhà trên móng nhà người khác”.

“Do đó phải khơi dậy, giải phóng đổi mới sáng tạo, và thu hút FDI cần có chọn lọc, không thu hút FDI bằng mọi giá”- bà Hà nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, đây không phải là việc của mình Chính phủ mà đội ngũ xung kích là các doanh nghiệp cũng cần vào cuộc để tận dụng khai thác những thị trường tiềm năng, sử dụng hiệu quả đồng vốn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn, có như vậy mới tham gia sâu hơn vào chuỗi công nghệ toàn cầu.

Vietnam Report