FDI – ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI

03/10/2018

Chuyên mục:

Với lòng tin, quyết tâm và sự sáng suốt, trên chặng đường “FDI – ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI”, chúng ta sẽ lựa chọn được đúng những người anh em, bạn bè tốt; trên cơ sở Việt Nam phải thực sự xây dựng được một môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, rõ ràng và hấp dẫn, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam ở từng giai đoạn phát triển, phù hợp với các điều kiện hội nhập quốc tế...

Đó là con đường “Đi với anh em, đi với bạn bè - những người luôn muốn cùng chúng ta phát triển trong hòa bình, tiến tới thịnh vượng,…” , là suy nghĩ của riêng tôi khi được hỏi những câu hỏi sau, trước thềm Hội nghị “Tổng kết 30 năm FDI tại Việt Nam” do Bộ KH&ĐT tổ chức vào ngày 4/10/2018: Tổng quan về FDI 30 năm qua? 3 thành công và 3 bài học lớn nhất? Tầm nhìn mới trong thu hút FDI giai đoạn tới?

Thật khó, chứ không phải dễ để có thể trả lời ngắn gọn các câu hỏi này. Đến hôm nay, sau 30 năm có mặt tại Việt Nam, FDI đã khá quen thuộc với cộng đồng xã hội Việt Nam, khi đã có nhiều đóng góp lớn cho phát triển KT-XH Việt Nam thời gian qua; nhưng trong những đóng góp to lớn ấy cũng đã gây nên những thiệt hại, những “bài học lớn” không thể quên được một sớm một chiều.

Trả lời thế nào để phản ánh được đúng thực trạng “bức tranh FDI 30 năm qua” để cộng đồng cùng tự tin khắc phục các thiếu sót đã gây ra “các bài học lớn”, cùng tiếp tục làm tốt hơn việc thu hút và sử dụng nguồn ngoại lực này cho đầu tư và phát triển KT-XH Việt Nam trong giai đoạn tới, phù hợp với quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới hiện nay của Việt Nam, phù hợp với qui luật luân chuyển của dòng vốn FDI toàn cầu vẫn đang tiếp tục chảy từ nhiều năm qua giữa các nước, và đi được cùng với anh em - với bạn bè như vừa nêu trên.

Đối với câu hỏi đầu tiên: Tổng quan về FDI 30 năm qua (1987-2017 )?

Như đã từng được trao đổi về nội dung này trong các đợt tổng kết trước đây, căn cứ vào những thực tế được biết, tôi vẫn giữ nguyên nhận xét sau của mình: “Thành công là chủ yếu, tồn tại là thứ yếu của một quá trình phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả của KT-XH đất nước”.

Tuy không còn được trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước về FDI như trước đây, nhưng trong điều kiện của mình, tôi vẫn được tiếp xúc với những thành quả mới mà FDI đang tiếp tục đóng góp tại Việt Nam, biết được những gì về FDI đang diễn ra xung quanh mình, tôi vẫn tự tin bày tỏ suy nghĩ của mình như vậy.

Đến nay, tôi vẫn luôn nhớ rõ có ít nhất đến tám (8) thành quả lớn mà FDI đã đóng góp, được chỉ rõ trong các lần tổng kết 20 năm, 25 năm FDI tại Việt Nam. Tóm tắt là FDI đã góp phần: Giúp phá thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch sau công cuộc thống nhất đất nước; Tạo ra một nguồn vốn lớn cho đầu tư và phát triển (tính đến hết tháng 8/2018,Việt Nam đã thu hút được một lượng vốn lớn lên tới 333,8 tỷ USD, đã giải ngân được trên 170 tỷ USD – con số mà với xuất phát điểm của đất nước vào thời bắt đầu ĐỔI MỚI, nếu chỉ trông chờ vào nội lực, không biết chúng ta phải mất bao nhiêu năm mới tích lũy được?!).

Góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng CNH-HĐH (đến nay sản xuất công nghiệp đã chiếm tỷ trọng lớn với nhiều sản phẩm mới; thương mại và dịch vụ phát triển; nông nghiệp phát triển với nhiều sản phẩm đã xuất khẩu được;…).

FDI đã tạo ra công ăn việc làm cho trên 3,5 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp khác; Đóng góp lớn cho ngân sách hàng năm; Tiếp thu được kinh nghiệm quản lý tiên tiến với kỹ thuật, công nghệ hiện đại; Thúc đẩy thành công quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; Góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế;…(xin xem, tham khảo thêm về các thành tựu và mặt trái của FDI trong cuốn sách “FDI-ĐỒNG TIỀN HAI MẶT”-NXB Chính trị Quốc gia Sự thật 6/2018).

Lời dặn của Bác HỒ: “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn to đẹp hơn, để sánh vai với các cường quốc 5 châu”, đang dần đến hiện thực dù còn nhiều khó khăn trước mắt.

Đối với câu hỏi: Ba bài học của FDI trong quá trình phát triển?

Các bài học được xác định rõ theo cách nhìn của tôi: “chỉ là các tồn tại thứ yếu của một quá trình phát triển trên nền tảng của một nền kinh tế quá yếu kém sau chiến tranh, và nguồn nhân lực chưa kịp đào tạo đầy đủ để tiếp cận quản lý các vấn đề mới khi chuyển sang quản lý theo cơ chế thị trường định hướng XHCN,…”. Các bài học đó là :

Để xảy ra các sự cố về môi trường: VEDAN và FORMOSA là 2 điển hình, vụ sau lớn hơn vụ trước, cách vi phạm tương tự;

Đó là thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Khi tỷ lệ doanh nghiệp có vốn FDI được thành lập tại Việt Nam theo hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài đang chiếm tuyệt đối đa số đến trên 70% số doanh nghiệp FDI hiện có; Công nghiệp phụ trợ và sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp Việt vào dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp FDI nhằm nâng cao giá trị gia tăng của doanh nghiệp Việt trong hàng xuất khẩu còn rất nhỏ bé; 

Doanh nghiệp Việt chưa tiếp nhận được công nghệ cao từ các doanh nghiệp FDI, hoặc doanh nghiệp FDI chưa chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước (vì nhiều lý do nhưng có một lý do quan trọng là chưa có chính sách thực sự khuyến khích quá trình chuyển giao này, chưa xem việc chuyển giao công nghệ của khu vực FDI là một điều kiện quan trọng của hoạt động FDI trong dài hạn tại Việt Nam).

Và đó là công tác tổ chức quản lý nhà nước về FDI trên một số địa bàn còn yếu kém; thiếu sự liên kết, thông tin kịp thời để quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của FDI giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Nhân sự quản lý FDI còn có bộ phận, con người không làm hết trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Như để xảy ra các sự cố môi trường nêu trên, một số dự án “treo”,… là các ví dụ cụ thể chắc không cần dẫn chứng thêm.

Chắc chắn rằng, nếu cứ như vậy mãi mà không có các giải pháp khắc phục sớm, thì mặt trái của “đồng tiền FDI” sẽ sớm lấn át mặt tích cực của nó, và rồi không rõ chúng ta sẽ đi đến đâu với FDI?

Đối với câu hỏi 3: Tầm nhìn mới trong thu hút FDI giai đoạn tới?

Cũng thật khó khi nói về điều này khi một cá nhân không có đủ hết các thông tin và thực tế đang diễn ra, cũng như việc không được tiếp cận kịp thời “các tư tưởng lớn” về các định hướng then chốt, mang tính toàn diện, toàn cục về FDI giai đoạn tới; nhưng từ các thông điệp của các cấp đại diện lãnh đạo Chính phủ gần đây đã được nêu ra là:

Không thu hút FDI bằng mọi giá; Xây dựng nền kinh tế tự cường trên cơ sở phát triển mạnh kinh tế trong nước và kết hợp với việc tiếp tục thu hút, sử dụng FDI có hiệu quả; Đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển KT-XH đất nước.

Tôi nhận thấy, chúng ta đang đi đúng hướng cần đi. Với lòng tin, quyết tâm và sự sáng suốt, trên chặng đường “FDI – ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI” ấy, chúng ta sẽ lựa chọn được đúng những người anh em, bạn bè tốt; trên cơ sở Việt Nam phải thực sự xây dựng được một môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, rõ ràng và hấp dẫn, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam ở từng giai đoạn phát triển, phù hợp với các điều kiện hội nhập quốc tế; đảm bảo vừa giúp phát triển KT-XH, vừa đảm bảo được sự tự chủ, tự cường về kinh tế; chủ quyền về chính trị, kinh tế, an ninh quốc gia, văn hóa dân tộc trong lâu dài.

Như thế khu vực FDI sẽ trở thành là một thành tố quan trọng của nền kinh tế, có mối tương quan chặt chẽ với khu vực doanh nghiệp trong nước; chúng ta có thể đặt kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một trong những mẫu hình tốt về thu hút và sử dụng FDI trên thế giới.

(Bài viết thể hiện quan điểm của TS. Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT)

Theo The Leader

Vietnam Report