Chuyển đổi số: Tạo đột phá về mô hình kinh doanh

12/04/2019

Chuyên mục:

Thực hiện chuyển đổi số là đòi hỏi cấp thiết đối với các doanh nghiệp (DN) hiện nay, nếu không muốn bị đào thải trân thị trường. Đồng thời, những DN tiên phong trong hành trình chuyển đổi số sẽ đạt những cải thiện về năng suất, lợi nhuận

Nguồn gốc của tăng trưởng

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu tạo ra nhiều chuyển biến mới trên mọi mặt của đời sống, xã hội. Đồng thời, CMCN 4.0 đưa DN lên tầm cao mới thông qua chuyển đổi số. Ví dụ, Grab dù không sở hữu bất cứ tài sản vật lý như ôtô, lái xe... nhưng họ nắm trong tay cả hệ thống vận tải hùng hậu ở quy mô toàn thế giới…

Điều này đã khiến những DN taxi truyền thống đứng ngồi không yên khi trước đây tăng trưởng mấy chục phần trăm mỗi năm nhưng hiện nay doanh thu đã sụt giảm... Quá trình chuyển đổi số sẽ không chừa bất kỳ một DN nào và nếu không có phương án chuyển đổi mạnh mẽ có thể bị xóa sổ khỏi thị trường. Trong kỷ nguyên số hóa ngày nay, công nghệ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới, chiến lược mới. Nó không chỉ hỗ trợ kinh doanh, mà còn thúc đẩy tăng trưởng và là nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh.

Trước vấn đề này, ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT - nhận định, trong CMCN 4.0, công nghệ số trở thành nền tảng cốt lõi của DN, từ đó tạo thành chuỗi giá trị có quy luật hoàn toàn khác. DN buộc phải thay đổi từ mô hình kinh doanh, tư duy quản trị, cách vận hành DN cũng như kỹ năng, lực lượng lao động…

Theo nghiên cứu của Microsoft cho thấy, chuyển đổi số góp phần tích cực giúp DN gia tăng năng suất lao động. Điển hình, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15% và dự kiến đến năm 2020, con số này là 21%. Xây dựng lộ trình

Tại báo cáo "Chỉ số phát triển kỹ thuật số của DN vừa và nhỏ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương" vừa được công bố chỉ rõ, các DN tại Việt Nam đang đầu tư vào đám mây, an ninh mạng và nâng cấp phần mềm và phần cứng công nghệ thông tin (CNTT).

Bà Lương Thị Lệ Thủy - Tổng giám đốc Cisco Việt Nam - khẳng định, các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam đang số hóa nhanh chóng và khai thác sức mạnh của công nghệ để mở rộng doanh thu, đồng thời tiếp cận khách hàng ngày càng rộng hơn, vượt khỏi biên giới địa lý. Với sự hỗ trợ của chính phủ và các tập đoàn, DN sẽ thực sự thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đến giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Tuy nhiên, các DN tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Cụ thể, họ gặp phải các rào cản vì thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng CNTT đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%) và thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong DN (15,7%).

Để đẩy nhanh tiến trình số hóa, các DN cần chiến lược và lộ trình chuyển đổi rõ ràng, coi đó như "kim chỉ nam" để đưa ra các quyết định đầu tư công nghệ chiến lược, những khoản đầu tư giúp họ giải quyết các thách thức chính và tận dụng cơ hội tăng trưởng. Bên cạnh đó, DN nên xây dựng các chính sách nhằm tiêu chuẩn hóa các quy trình. Khi tổ chức chạm đến giai đoạn trưởng thành trong hành trình chuyển đổi kỹ thuật số, DN nên tận dụng dữ liệu và các công nghệ kỹ thuật số để thay đổi quy trình, tăng tỷ lệ đổi mới và đạt được tốc độ nhanh chóng.

Quỳnh Nga

Theo Báo Công Thương

Vietnam Report