Chính phủ điện tử tại châu Á - “Lá bài tủ” để quốc gia hóa rồng

21/05/2019

Chuyên mục:

Để có thể phát triển bền vững, nhiều quốc gia trên thế giới đã xem cải cách hành chính là tiền đề quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích cho mọi người dân.

Singapore là một trong những hình mẫu phát triển kinh tế với nền hành chính quản trị hiện đại. Những thành tựu nổi bật trong quản lý và phát triển kinh tế của Singapore là dựa trên sự chú trọng và thực hiện cải cách hành chính từ rất sớm, bên cạnh chính sách tăng cường thu hút trọng dụng nhân tài. Singapore đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân viên chính phủ để áp dụng công nghệ mới, cung cấp dịch vụ công thông qua mạng internet. Các chuyên gia nhận định Singapore là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển chính phủ điện tử hàng đầu trong khu vực và châu lục.

Trong những năm qua, Singapore đã thành lập các cơ quan và xây dựng những cơ chế nhằm tìm hiểu, đánh giá và đề xuất phương án giải quyết các kiến nghị của người dân cũng như giới DN.

Ông Lý Hiển Long là một vị Thủ tướng rất quan tâm đến công nghệ, tích cực sử dụng mạng xã hội, và thậm chí là có bằng khoa học máy tính của ĐH Cambridge, Anh, nhưng cuối cùng lại đi theo con đường chính trị, theo ý cha.

Thủ tướng Quang Diệu thậm chí đã học cách sử dụng máy tính dù đã 70 tuổi. Ông muốn con trai mình tập trung vào chính trị thay vì khoa học đơn giản vì tin rằng Lý Hiển Long sẽ làm nên chuyện, và cần phải cống hiến cho đất nước.

Thủ tướng Lý Hiển Long - cũng chính Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và DN của Singapore (RIEC), đã đưa Singapore từ một quốc gia công nghiệp dịch vụ lên một vị thế mới – TP công nghệ. Thủ tướng Lý Hiển Long đã đưa ra kế hoạch tập trung vào tài sản giá trị nhất của đất nước: tri thức. Cả hai khu nghiên cứu Fusionopolis và Biopolis dưới sự quản lý của cơ quan khoa học công nghệ và nghiên cứu của Singapore là hiện thân của cam kết này.

Các chính sách của Singapore thời Thủ tướng Lý Hiển Long đều thúc đẩy xây dựng ngành công nghệ như một trụ cột của nền kinh tế tương lai. Chú trọng đầu tư cho giáo dục và đào tạo, giữ liên lạc với người Singapore làm việc tại Thung lũng Silicon và các trung tâm công nghệ khác trên thế giới, cố gắng đưa một số tài năng trong số họ về phục vụ đất nước. Chính phủ Singapore cũng chào đón các Cty công nghệ, đã có nhiều Cty công nghệ lớn đến Singapore như Google, Facebook, Salesforce, Grab, Stripe - và họ đang phát triển mạnh mẽ.

Tương tự, cải cách hành chính góp phần đưa Hàn Quốc từ một quốc gia nông nghiệp, kém phát triển vươn lên trở thành một nền kinh tế hàng đầu châu Á. Hàn Quốc đã sớm nhận thấy sự lạc hậu trong cách thức điều hành bộ máy chính phủ khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới và cần có những thay đổi cơ bản.

Sân bay quốc tế Incheon mùa hè tràn ngập khách trong mùa cao điểm. Nhưng tại khu vực nhập cảnh, chỉ với việc trình hộ chiếu, du khách đã có thể hoàn thành thủ tục hành chính. Đó là nhờ dịch vụ kiểm tra nhập cảnh tự động của Hàn Quốc. Hệ thống chiếu xuất nhập cảnh tự động rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập cảnh bằng cách đăng ký trước hộ chiếu, dấu vân tay và nhận dạng khuôn mặt. Đây là một trong những dịch vụ tiêu biểu của chính phủ điện tử Hàn Quốc.

Thủ tục hành chính tự động tại Hàn Quốc không chỉ có ở sân bay. Chính phủ Hàn Quốc đã được tập trung vào việc thiết lập các dịch vụ chính phủ điện tử từ năm 1987 khi ban hành luật mở rộng việc phổ cập máy tính để bàn và thúc đẩy việc sử dụng mạng máy tính trong cung cấp dịch vụ chất lượng cao của chính phủ cho công dân của mình một cách thuận tiện hơn. Nhờ những nỗ lực liên tục để phát triển công nghệ liên quan, hệ thống chính phủ điện tử của Hàn Quốc hiện đang nhận được những lời khen ngợi và công nhận từ khắp nơi trên thế giới.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người đặc biệt quan tâm và dành nhiều công sức vào phát triển nền khoa học công nghệ nước nhà. Thủ tướng luôn lan tỏa thông điệp, khuyến khích người dân, DN nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển.

Chính phủ liên tục động viên DN và tin rằng: "Việt Nam sẽ phát triển nếu có những DN toàn cầu, biết đổi mới sáng tạo và có tinh thần tự tôn dân tộc. Việc phát triển công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam vươn ra thế giới" - Thủ tướng chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ Việt Nam 2019.

Nhìn thẳng vào bức tranh kinh tế, Thủ tướng nhận định, Việt Nam không thể tiếp tục tăng trưởng dựa vào tài nguyên hay lao động giá rẻ, đặc biệt là trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp thứ tư – kỷ nguyên chứa đựng những khả năng xoay chuyển tình thế bất ngờ. Vì thế, từ đầu nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc cho đến nay, cơ chế, chính sách liên quan đến các DN công nghệ cũng như khởi nghiệp sáng tạo không ngừng được cải thiện. Thủ tướng khẳng định, con đường đi lên, đi nhanh của Việt Nam phải dựa vào công nghệ, DN công nghệ cao.

Nền kinh tế Việt Nam đã thấy những nỗ lực cải cách đổi mới đang dần đơm hoa. Số DN đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi, từ 1.800 năm 2016 lên trên 3.000 năm 2017. Cùng với khoảng 40 Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam, các tập đoàn, ngân hàng lớn và các nhà đầu tư tích cực tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh: "DN công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc "hoá rồng". Với xu thế sôi động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các DN công nghệ có vai trò bản lề trong việc phát triển kinh tế đất nước. Nền kinh tế nhiều tài nguyên không còn là vị thế, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của DN và nền kinh tết. Đây là một trong những động lực mới để phát triển nền kinh tế Việt Nam".

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công nghệ: "Chúng ta vừa làm, vừa cải cách, vừa đổi mới nhưng không phải chờ đợi. Các dịch vụ công trực tuyến phải tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, không để chậm trễ, để hỗ trợ nhân dân”.

Chí Tùng

Tổng hợp

Vietnam Report