7 câu hỏi cần trả lời trước khi thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số

15/01/2018

Chuyên mục:

Mặc dù hầu hết các khoản đầu tư kỹ thuật số chắc chắn là sự lựa chọn đúng đắn cho các công ty, nhưng họ vẫn đang phải vật lộn để đạt được những kết quả mong muốn.

Ước tính tỷ lệ thất bại trong chuyển đổi kỹ thuật số dao động từ 66% đến 84%. Tuy vậy, điều đó cũng không đáng ngạc nhiên bởi vì các nhà lãnh đạo vẫn đang cố gắng tạo ra những năng lực hoàn toàn mới và xây dựng một tổ chức có nền văn hoá và mô hình hoạt động mạnh mẽ.

Mặc dù hầu hết các giám đốc điều hành có lợi thế trong việc quản lý những thay đổi, nhưng chuyển đổi số là sự thay đổi sâu sắc hơn rất nhiều so với quá trình thông thường hoặc nâng cấp hệ thống. Tất nhiên, công nghệ số có thể được sử dụng để cải tiến hoặc nâng cao các phương thức hoạt động hiện tại, hoặc tạo ra những cách thức kinh doanh hoàn toàn mới dựa trên các mạng lưới kỹ thuật số như Uber, Airbnb, Yelp và Apple Developer Network – đem lại những giá trị số to lớn.

Vì vậy, khi muốn thực hiện quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, các công ty nên bắt đầu từ việc trả lời những câu hỏi dưới đây và khảo sát sự sẵn sàng của tổ chức.

Đây là quá trình nâng cấp hay chuyển đổi kỹ thuật số? Hầu hết các công ty đều hướng tới mục tiêu chuyển đổi kỹ thuật số nhưng lại chỉ kết thúc bằng việc nâng cấp, sử dụng công nghệ số để cải thiện năng suất và hiệu quả cho toàn bộ tổ chức hoặc chỉ một số mảng kinh doanh nhất định. Ví dụ: tăng chi tiêu tiếp thị qua các kênh kỹ thuật số hoặc nâng cấp các hệ thống truyền thông nội bộ. Mặt khác, chuyển đổi kỹ thuật số xảy ra khi các công ty sử dụng công nghệ kỹ thuật số để thay đổi phương thức hoạt động, đặc biệt là cách tương tác với khách hàng và cách tạo ra giá trị - ví dụ như Apple đã tận dụng mạng lưới các lập trình viên của mình để tạo ra phần mềm riêng cho các thiết bị.

Nếu các công ty nhận ra rằng họ thực sự bắt đầu công cuộc nâng cấp thay vì chuyển đổi, họ cần đặt ra câu hỏi rằng hình thức đó có đủ để duy trì khả năng cạnh tranh khi mô hình kinh doanh dựa trên mạng lưới kỹ thuật số sẽ tạo ra giá trị thị trường cao hơn gấp bốn lần.

Các nhà quản lý có thực sự tham gia vào công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số? Các mô hình công nghệ số và mô hình kinh doanh đang nằm trong tầm ngắm của các nhà quản lý, với kỳ vọng rằng hầu hết các công ty sẽ phải thay đổi để bắt kịp xu hướng. Tuy nhiên, trong thực tế, một số các nhà quản lý đang cố gắng dẫn dắt dự án chuyển đổi kỹ thuật số mà họ không thực sự quan tâm.

Tất cả chúng ta đều có niềm tin cốt lõi vào những thứ tạo ra giá trị trên thế giới, và điều này ảnh hưởng đến cách chúng ta phân bổ thời gian, sự tập trung và nguồn vốn. Hầu hết các nhà lãnh đạo có hàng chục năm kinh nghiệm về quản lý tài sản như nhà máy, bất động sản, hàng tồn kho, và nguồn nhân lực. Việc chuyển đổi thứ tự ưu tiên này sẽ ảnh hưởng đến sự tự phản chiếu và tính cởi mở, do đó cần một nỗ lực phối hợp rất lớn để xây dựng các mô hình mới trong cả suy nghĩ và hành động.

Bạn đã sẵn sàng chia sẻ giá trị với khách hàng? Mô hình kinh doanh cho phép ứng dụng công nghệ mới nhất, sự phối hợp với các mạng lưới, trên thực tế được miêu tả là các công ty cho phép khách hàng và các mạng lưới khác chia sẻ trong quá trình tạo ra giá trị. Uber dựa vào mạng lưới các lái xe; Airbnb dựa vào mạng lưới các chủ sở hữu bất động sản; Ebay dựa vào mạng lưới những người bán hàng. Các mạng lưới này rất cần thiết cho các tổ chức, và bằng cách tiếp cận các tài sản bên ngoài, các công ty này có thể đạt được lợi nhuận đáng kể.

Chia sẻ khối lượng công việc rõ ràng là một đề xuất hợp lý, tuy nhiên nhiều nhà lãnh đạo tỏ ra do dự khi họ phải nới lỏng sự kiểm soát và dựa vào một mạng lưới không thuộc tổ chức của họ. Làm việc với các nhóm bên ngoài đòi hỏi những phong cách lãnh đạo sáng tạo, đổi mới, và cũng cho phép các tổ chức khai thác các nguồn lực khổng lồ chưa được tận dụng.

Làm thế nào để đảm bảo và củng cố lợi thế của nhóm thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số? Nâng cấp kỹ thuật số yêu cầu công ty có một nhóm nhân viên được xác định với phạm vi rõ ràng. Trong khi đó, chuyển đổi kỹ thuật số yêu cầu một nhóm đa chức năng với sự hỗ trợ mạnh mẽ. Điều này trở thành một điểm quan trọng bởi vì các tổ chức thường ít khi thay đổi cấu trúc nội bộ của khi thực hiện quá trình chuyển đổi kỹ thuật số mà yêu cầu các nhóm thực hiện việc chuyển đổi này phải thích nghi với cấu trúc hiện tại. Ở một số tổ chức có những nhóm chức năng không thực hiện đúng vai trò và nhiệm vụ của họ, ảnh hưởng đến hiệu quả của nhóm chức năng hoặc tự tách rời quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Thực tế cho thấy nhiều công ty tự hạn chế tiến bộ kỹ thuật số bởi chỉ chủ yếu dựa vào các phòng ban tiếp thị hoặc CNTT.

Làm thế nào để đo lường giá trị bạn dự định tạo ra? Công ty sẽ quản lý những gì cần đo lường. Đối với hầu hết các tổ chức, trọng tâm là về vốn (để sản xuất và bán hàng) hoặc nhân lực (để cung cấp dịch vụ). Các công ty này theo dõi hàng tồn kho, năng suất, khả năng tận dụng, và các chỉ số hiệu suất truyền thống khác (KPIs).

Sự biến đổi kỹ thuật số không phải lúc nào cũng ảnh hưởng đến các chỉ số KPI. Tất nhiên mục tiêu cuối cùng của sự chuyển đổi là ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận và giá trị của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc theo dõi các chỉ số trung gian cũng rất hữu ích. Đối với nhiều công ty mạng kỹ thuật số, điều này bao gồm cả sự nhiệt huyết và gắn bó cũng như sự đồng tạo mạng lưới và chia sẻ giá trị. Ví dụ: khi đánh giá thành công của mạng lưới lập trình viên, Apple có thể tính toán số lượng các nhà phát triển tham gia xây dựng các ứng dụng cho cửa hàng ứng dụng của họ, số tiền tạo ra từ các ứng dụng mà Apple chia sẻ với cộng đồng và sự hài lòng của khách hàng với các ứng dụng.

Công ty đã sẵn sàng ra quyết định cho sự biến đổi nhân sự? Người ta thường nói: "Thay tế một người sẽ dễ hơn việc thay đổi suy nghĩ của họ." Nói cách khác, đôi khi một tầm nhìn mới đòi hỏi người mới thực hiện nó. Đối với nhiều công ty, những người họ cần không nhất thiết phải thuộc về tổ chức hoặc ít nhất là không cần đủ số lượng. Nhiều nhân viên hiện tại sẽ tận tâm đối với những công việc mà họ đang làm nhưng cũng sẽ có những phản kháng và trở ngại cho sự thay đổi.

Nhằm phục vụ cho công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số, các công ty cần đưa ra các quyết định thay đổi nhân sự. Kinh nghiệm cho thấy, gần một nửa đội ngũ nhân viên và ban lãnh đạo sẽ bị thay thế trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số thành công. Mặc dù không mấy vui vẻ nhưng nó thực sự cần thiết để tổ chức tạo ra sự cân bằng giữa cũ và mới.

Công ty đã sẵn sàng mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực mới? Đôi khi những lĩnh vực kinh doanh mới xuất hiện trở nên nổi bật và phát triển hơn trong tổ chức, tạo ra nhiều giá trị hơn so với các lĩnh vực kinh doanh truyền thống - hoặc có nguy cơ không thu hút được đúng tài năng hoặc phải trải qua cuộc chiến giữa kỹ thuật số và truyền thống. Thường thì các công ty phải tách biệt rõ ràng nhưng cũng phải phối hợp phát triển cả lĩnh vực mới và truyền thống.

Google là một chuyên gia về cả việc tạo ra các dự án mới và duy trì phát triển; chứng kiến ​​việc tái tổ chức gần đây của họ thành Alphabet cho phép mỗi doanh nghiệp lớn theo đuổi tiềm năng của họ (bao gồm cả Google và YouTube). Trong các tổ chức khác, lĩnh vực kinh doanh ứng dụng kỹ thuật số mới sẽ tận dụng và phát triển các lĩnh vực truyền thống.

Chuyển đổi một tổ chức là điều rất khó khăn, và nghiên cứu đã chứng minh điều đó. Nhưng đáng để thực hiện. Đánh giá của Forrester cho rằng vào năm 2020, mọi công ty sẽ trở thành kẻ săn mồi hay con mồi. Là một nhà lãnh đạo, bạn có thể đã biết các vấn đề cơ bản về quản lý sự thay đổi, nhưng chuyển đổi kỹ thuật số diễn ra sâu rộng hơn, và do đó tạo ra những yêu cầu khác nhau cho cả nhân viên và tổ chức. Đổi lại, công ty cũng sẽ có cơ hội để đầu tư vào các mô hình kinh doanh có lợi nhất và có giá trị trên thị trường.

Thu Thủy

Luợc dich theo Harvard Business Review

Vietnam Report